Chỉ riêng với 7 HCV của môn đá cầu, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã có thể chạm tay đến vị trí thứ 7 trên bảng tổng sắp huy chương đại hội. Để có được thành công như thế, đá cầu đã phải tập trung những VĐV tốt nhất, khổ luyện xa nhà suốt gần một năm qua trước khi bay vào Đà Nẵng sát ngày khai mạc ABG 5. Nhiều bộ môn khác cũng được TTVN chuẩn bị theo cách thức tương tự. Đó là lý do 7 trong số này (đá cầu, thể hình, điền kinh, kurash, pencak silat, võ cổ truyền, Vovinam) có được thành tích tốt nhất đại hội.
Có lẽ đây là lý giải thuyết phục nhất về sự thống trị gần như tuyệt đối ở vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương ABG 5 của đoàn TTVN thay vì cho rằng nước chủ nhà chỉ lo đưa vào chương trình thi đấu toàn những môn thế mạnh ở sân trong nhà. Đá cầu, cầu mây, bi sắt, pencak silat… vốn xuất xứ từ Đông Nam Á nhưng đã có cả giải vô địch thế giới và tại ABG 5, những môn này thực sự mang đậm chất “biển” khi các VĐV quần thảo trên cát nóng. Kurash, sambo, jujitsu… phái sinh từ môn Judo và ABG chính là điểm tựa chắc chắn để các loại hình võ thuật này xác định vai trò của mình trong tương lai trên đấu trường quốc tế.
Hầu hết chiến thắng của các tuyển thủ Việt Nam đều rất thuyết phục, như trường hợp ngôi vô địch bộ ba cầu mây nữ, 2 HCV đá cầu đồng đội nam và đôi nam, 4 chức vô địch kurash hay HCV duy nhất ở môn sambo… Sẽ rất phiến diện nếu cho rằng những người làm thể thao không vui với thành tích thi đấu tại giải. Lê Tú Chinh sẽ không thể giành HCV cự ly chạy 60 m nữ tại ABG 5 nếu cô không phải là kỷ lục gia giải trẻ châu Á đường chạy 100 m trên mặt sân trải nhựa tổng hợp. Trần Tấn Triệu, gương mặt trẻ trên đường đua xanh trong hồ, vốn là dân bơi đường sông, từng về thứ 5 tại ABG 4 trước khi giành HCĐ cự ly gian khổ 5 km ở Đà Nẵng lần này.
HCV bóng ném nữ (thắng cựu vô địch Trung Quốc ở chung kết) của tuyển Việt Nam chính là dẫn chứng hùng hồn nhất về sức cuốn hút của các môn Olympic được cải biến về luật thi đấu, sân bãi… cho phù hợp với thi đấu bãi biển. Khán giả Việt Nam bị “hút hồn” bởi trận đấu này, đến chật sân thay vì chứng kiến trận chung kết bóng đá giữa hai đội mạnh Nhật Bản - Oman diễn ra cùng giờ.
Cũng đã có lời phàn nàn về công tác trọng tài theo hướng thiên vị chủ nhà hoặc chạy đua huy chương ở vài môn võ hay một số môn mới không cuốn hút người xem do chưa thực sự “quốc tế hóa”. Nhà báo Woraphon Masee của tờ Siam Sport (Thái Lan) cho biết ABG 4 cách đây 2 năm tại Thái Lan rất đông khán giả nhưng cũng chỉ ở các môn thế mạnh của đoàn chủ nhà, bất chấp việc chưa có tên trong hệ thống Olympic như muay, bi sắt, cầu mây. “Còn trọng tài là chuyện ở đâu cũng vậy” - Masee khẳng định.
Trước lễ bế mạc ABG 5, ông Tayyab Ikram, Trưởng Tiểu ban Thi đấu của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), nhìn nhận: “Giá như Việt Nam có điều kiện tổ chức thêm đua thuyền buồm hay lướt ván, đại hội sẽ có thêm sắc màu từ các môn đậm chất biểu diễn như thế. Diễn ra trong năm có cả Olympic và Paralympic nên nhiều quốc gia phải tính toán khoản kinh phí mà lẽ ra được dành cho thể thao bãi biển. Có lẽ vì vậy mà nhiều cường quốc thể thao không cử lực lượng mạnh nhất đến ABG 5. Trung Quốc phải chấp nhận đứng sau hai quốc gia Đông Nam Á trên bảng tổng sắp; còn Nhật Bản, Hàn Quốc phải đến phút cuối mới có mặt trong 30 hạng đầu”.
Theo ông Ikram, ABG là nơi tạo sân chơi cho các môn không nằm trong hệ thống Olympic hoặc phiên bản của thể thao Olympic như bóng chuyền, bóng đá, bóng ném, bóng rổ 3x3… “Bằng cách trao cơ hội cho các VĐV thể thao bãi biển tỏa sáng trên đấu trường quốc tế, OCA muốn gửi đi thông điệp rằng phong trào Olympic ở châu Á là toàn diện, đáp ứng các tiêu chí “VĐV là số 1” và “Thể thao đến với mọi người”, sẵn sàng thúc đẩy các giá trị tinh thần Olympic đến mọi vùng miền” - ông nhấn mạnh.
Nới rộng thời gian giữa 2 kỳ ABG
Tại lễ bế mạc ABG 5 diễn ra tối 3-10, đại diện nước chủ nhà Việt Nam đã trao cờ đại hội lại cho OCA. Tại phiên họp đại hội đồng mới đây, OCA quyết định nới rộng thời gian giữa 2 kỳ ABG (cùng với Á vận hội trẻ) từ 2 lên 4 năm. Vì thế, đến nay, việc chọn lựa nơi đăng cai ABG 6, dự kiến diễn ra vào năm 2020 thay vì 2018, chưa được OCA thông qua - theo nhiều nguồn tin, TP Goa - Ấn Độ là ứng viên sáng giá nhất.
Bình luận (0)