Cùng quê Bắc Giang “đất cầu”, chồng nhận quyết định tập trung cùng đội tuyển đá cầu nam từ tháng 11 năm ngoái, tập luyện tại Hà Nội cho đến sát ngày khai mạc ABG5 mới bay vào Đà Nẵng. Trong khi đó, vợ cũng xa nhà từ đầu năm 2016, đóng quân tận Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia III. Nhiều lần đi làm nhiệm vụ nhưng đây là đợt xa nhà lâu nhất của cả vợ chồng và họ phải nén nỗi buồn, gửi cậu con trai mới 4 tuổi cho ông bà trông giữ.
Đỗ Thị Nguyên (trái) đổi được màu huy chương trên sân nhà tại ABG5
Với gần 15 năm gắn bó, về tuổi tác, Tuấn hiện là “anh cả” của đội đá cầu còn Nguyên cũng là chị lớn của đội cầu mây nữ. Khỏi phải nói họ cùng bảo nhau phải giữ gìn tư cách, tác phong trong sinh hoạt cũng như tập luyện để làm gương cho các đồng đội trẻ đến từ nhiều miền đất nước.
Tập luyện kham khổ, phơi mình trong nắng gió và cát hằng ngày, tiêu chuẩn lại eo hẹp, Nguyên và đồng đội phải bỏ tiền túi để trang bị thêm vớ, kem chống nắng. Do là “dân” cầu mây sân trong nhà, cả đội phải mất một thời gian để làm quen lại với kỹ thuật thi đấu trên cát và vượt qua mọi khó khăn để sẵn sàng cho đại hội.
Lần sau cùng Nguyên giành HCV cầu mây là tại King’s Cup 2007 (Thái Lan), quá lâu cho khát vọng của bà mẹ trẻ có lúc tưởng đã phải rời bỏ sàn đấu để chuyên tâm vào công tác huấn luyện sau khi sinh nở. Chỉ có quyết tâm rất lớn của bản thân, lại có sự động viên từ người chồng đồng nghiệp và gia đình, Nguyên mới quyết định trở lại. Tại ABG4 diễn ra tại Phuket - Thái Lan 2 năm trước, Nguyên chỉ kiếm được 2 HCB. Lần này, cô đã đổi được màu huy chương, giành HCV nội dung regu 3 người và HCB đồng đội 4 người.
Thành tích của Anh Tuấn còn khả quan hơn so với người bạn đời của mình. Chàng tuyển thủ 32 tuổi này không chỉ đoạt HCV nội dung đôi nam mà còn đăng quang ngôi vô địch nội dung đồng đội, góp sức đem về trọn bộ 7 HCV môn đá cầu ABG5 cho đội tuyển Việt Nam.
Ba HCV ở giải đấu cấp châu lục chắc chắn sẽ mang lại cho vợ chồng “ngâu” này khoản tiền thưởng không nhỏ theo quy định. Trên tất cả, đó còn là động lực để Tuấn và Nguyên tiếp tục đóng góp cho thể thao Bắc Giang nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung khi phía trước vẫn còn rất nhiều thử thách.
Chủ nhà chắc ngôi đầu
Vào đến 8 trận chung kết và giành 6 ngôi vô địch các nội dung đối kháng, tuyển pencak silat Việt Nam trở thành đội thể thao chủ nhà thứ 5 “vô đối” tại đại hội, sau các đội thể hình, điền kinh, kurash và đá cầu. Đại hội vẫn còn ngày thi đấu cuối cùng 2-10 nhưng đoàn Việt Nam đã chắc chắn giành vị trí số 1 với 42 HCV, 36 HCB, 42 HCĐ trong khi xếp thứ nhì là đoàn Thái Lan mới có 34 HCV, 22 HCB, 29 HCĐ. Trung Quốc xếp thứ ba, Hàn Quốc có HCV đầu tiên ở môn vật cổ điển nhưng chỉ xếp vị trí 21 còn Nhật Bản đứng thứ 28, chưa có HCV nào.
Bình luận (0)