Không ngoài dự đoán của giới chuyên môn, sự hiện diện của Nguyễn Thị Ánh Viên trong màu áo Quân đội tại Giải Bơi vô địch quốc gia 2021 đã tạo nên một sự hào hứng nhất định nơi người hâm mộ đến xem đua tài lẫn lực lượng VĐV thi đấu tại giải. Để được chứng kiến một ngôi sao tầm cỡ khu vực tỏa sáng trên sân nhà không phải là điều dễ dàng, nhất là khi kình ngư này đang nắm giữ vô số kỷ lục quốc nội vẫn chờ lứa VĐV trẻ công phá.
Sau 5 ngày tranh tài quyết liệt, đoàn Quân đội thắng thế gần như tuyệt đối khi 16 tấm HCV của đơn vị này chỉ kém đôi chút so với tổng số 20 ngôi vô địch mà tất cả các đoàn còn lại giành được! Đáng nói hơn, chỉ riêng 10 tấm HCV của Ánh Viên cũng đã ngang bằng tổng thành tích của 5 đơn vị tỉnh, thành có phong trào mạnh nổi tiếng lâu nay là TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, An Giang và Cần Thơ.
Đây mới là giải đấu lớn đầu tiên Ánh Viên góp mặt kể từ khi cô đề đạt nguyện vọng rời đội tuyển quốc gia và được lãnh đạo Tổng cục TDTT chấp thuận. Chia tay đội tuyển không đồng nghĩa đoạn tuyệt luôn với đường đua xanh, nhất là khi Ánh Viên vẫn còn nghĩa vụ với đơn vị chủ quản là ngành thể thao Quân đội ở các giải vô địch quốc gia cũng như Đại hội thể thao toàn quốc trong ít nhất 4-5 năm nữa.
Về lý thuyết, Ánh Viên không còn ở đỉnh cao phong độ sau khi liên tục thất bại ở các giải đấu quốc tế lớn gần đây. Ngay cả công tác chuẩn bị cho Giải Vô địch quốc gia 2021 của cô cũng bị ảnh hưởng không ít trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, chưa kể những tác động trong quá trình gửi đơn rời đội tuyển và chờ cấp quản lý chấp thuận.
Nụ cười tỏa nắng của Ánh Viên sẽ vắng bóng trên đường đua xanh quốc tế. Ảnh: NGỌC LINH
"Đẳng cấp là mãi mãi", trừ lần để thua tay bơi đàn em mới 16 tuổi Phạm Thị Vân (Thanh Hóa) ở nội dung 50 m tự do nữ và không hoàn thành chặng bơi 1.500 m tự do nữ, Ánh Viên chiến thắng cả 8 nội dung cá nhân còn lại cô tham gia. Đó là chưa kể cô còn giành 2 HCV và 2 HCB ở các cự ly tiếp sức, góp phần quan trọng vào thành tích nhất toàn đoàn của đơn vị Quân đội.
8 HCV mà "tiểu tiên cá" Ánh Viên giành được đều ở những nội dung cô chiếm ưu thế hoặc nắm giữ kỷ lục quốc gia từ nhiều năm qua. Tuy không còn "vô đối" ở các nội dung ngắn trước sự vươn lên mạnh mẽ của những kình ngư trẻ, Ánh Viên vẫn còn là một "tượng đài" thực sự khi ung dung cán đích đầu tiên ở các cự ly 100 m tự do, 200 m hỗn hợp, 400 m tự do, 100 m ngửa, 50 m ngửa, 800 m tự do, 200 m tự do và 400 m hỗn hợp.
Ngoại trừ thành tích 29 giây 95 ở nội dung 50 m ngửa chỉ kém 0,69 giây so với kỷ lục quốc gia 29 giây 26 thiết lập từ năm 2013, thành tích các nội dung còn lại của Ánh Viên đều còn kém xa kỷ lục quốc gia của chính cô. Chính những chi tiết đắt giá này, cộng với việc giải không có sự góp mặt của các tuyển thủ quốc gia (vừa thi đấu Giải vô địch hồ ngắn thế giới trở về phải cách ly) nên dẫu người hâm mộ có ao ước đến đâu, Ánh Viên cũng khó coi đây là động lực để tính toán việc trở lại đội tuyển.
Xa nhà nhiều năm trời, tập luyện kham khổ trong những điều kiện không phải tốt nhất cũng như thiếu một người thầy đủ tầm để nâng bước, Ánh Viên đành dừng lại ở vai trò một ngôi sao của khu vực Đông Nam Á. Quyết định xin rời đội tuyển ngay trước thềm SEA Games trên sân nhà chắc chắn phải được nghĩ đến một cách chín chắn, vì thế, chuyện Ánh Viên trở lại có vẻ bất khả thi dù đường đua xanh Việt Nam thực sự "nhớ" cô kình ngư tài năng hiếm có này.
Bình luận (0)