World Cup, xét về góc độ kinh tế, chưa bao giờ thua lỗ và là "con gà đẻ trứng vàng" cho FIFA. Chỉ riêng khoản bản quyền truyền hình với tầm phủ sóng đến toàn bộ 219 quốc gia, FIFA đã có được nguồn thu cực lớn khi giá cả tăng vọt so với cách đây 4 năm. Nếu như World Cup 2014 mang về 2,4 tỉ USD thì con số này năm nay ước tăng thêm 20%! Thu nhiều, phần chi tiêu của FIFA cũng tăng tỉ lệ thuận mà đáng kể nhất là khoản chi tiền thưởng tăng từ 352 triệu USD lên 400 triệu USD. FIFA đã duyệt chi 1,5 triệu USD "phí chuẩn bị" cho mỗi đội tuyển, 209 triệu USD cho các CLB đóng góp cầu thủ tới Nga và 134 triệu USD nhằm đền bù cho các CLB có cầu thủ chấn thương vì đá World Cup. Tổng chi 791 triệu USD chính là con số kỷ lục trong lịch sử World Cup.
Đường phố Moscow rộn ràng chờ đón World Cup
Đội chơi kém nhất trên đất Nga, tức ra về ngay từ vòng bảng, cũng sẽ "bỏ túi" 8 triệu USD, ngang bằng số tiền thưởng dành cho đội vô địch World Cup 2002! Trong khi đó, đội vô địch World Cup 2018 sẽ nhận ngay khoản thưởng 38 triệu USD, nhiều hơn 3 triệu so với nhà vô địch 4 năm trước. Tiền thưởng tăng cao cho đội bóng và giá trị từng cá nhân cầu thủ cũng sẽ tăng chóng mặt sau World Cup là lý do để các đội tuyển dốc sức cho chiến dịch vòng loại và thi đấu tốt nhất tại vòng chung kết.
Không giành được vé đến World Cup, tính ra các đội tuyển "thua đơn thiệt kép"… Tuyển Mỹ không qua nổi vòng loại nên chẳng có tiền dằn túi, hãng truyền hình Fox còn phải "cắn răng" chi đến 400 triệu USD mua bản quyền truyền hình trên toàn lãnh thổ; tuyển Ý lần đầu vắng mặt ở World Cup sau hơn 80 năm và hậu quả theo ước tính của nhật báo La Stampa, nền kinh tế nước này tổn thất 200 triệu USD để mua bản quyền truyền hình; hãng Puma, nhà tài trợ trang phục cho tuyển Ý, ước "lỗ" 20 triệu USD; các hãng cá cược mất 140 triệu USD, còn các quán bar, nhà hàng "hao hụt" cỡ 70 triệu USD!
Bình luận (0)