European Super League (ESL) xuất hiện và biến mất chỉ sau vài ngày nhưng dư chấn của sự kiện này khiến cả thế giới bóng đá phải rung chuyển. 12 CLB hàng đầu châu Âu ủng hộ việc thành lập một giải đấu mới nhưng chỉ 48 giờ sau, 9 thành viên đã tháo chạy do sức ép từ dư luận cũng như các bên liên quan.
Màn ra mắt của ESL khiến thế giới bóng đá náo loạn
Mặc dù ba "ông lớn" Real Madrid, Barcelona và Juventus tiếp tục nói cứng về triển vọng, tương lai của sân chơi được hứa hẹn mang về doanh thu nhiều tỉ bảng nhưng dàn lãnh đạo của chính các đội bóng này cũng phập phồng lo sợ việc bị UEFA trừng phạt.
Real Madrid đã lọt vào đến bán kết Champions League nhưng khả năng họ bị loại sớm đồng thời còn bị cấm thi đấu ở cúp châu Âu thêm ít nhất một mùa là điều khó tránh khỏi, như đề xuất của Chủ tịch LĐBĐ Đan Mạch Jesper Moller kiêm nhiệm Ủy viên ban chấp hành UEFA.
Trưởng BTC Ngoại hạng Richard Masters đề nghị lãnh đạo 6 đội Anh nên từ chức
Gần như cả châu Âu nín thở dõi theo phiên họp trực tuyến của UEFA ngày 23-4 nhưng rồi tất cả đều tỏ ra bất ngờ với việc chẳng đội bóng ly khai nào phải nhận các bản án nghiêm khắc mà dư luận nhắc đến rất nhiều trong những ngày qua.
Không bị trục xuất khỏi các trận đấu còn lại ở Champions League và Europa League mùa này đã đành, 12 "kẻ phản loạn" cũng chẳng bị cấm tham gia hai cúp châu Âu vào năm sau.
Real Madrid không bị trục xuất khỏi vòng bán kết Champions League
Thông báo chính thức từ UEFA nêu rõ: "Ủy ban điều hành UEFA đã liên tục cập nhật mọi diễn biến liên quan đến cái gọi là Super League, trong đó có nhiều vấn đề mà UEFA cần nghiêm túc xem xét để có giải pháp phù hợp".
Trong khi đó, Hiệp hội các câu lạc bộ châu Âu (ECA) đã chuyển tải thông điệp: "Chúng ta cần vượt qua các sự kiện vừa phát sinh và mong muốn cộng đồng bóng đá toàn cầu tìm lại nguồn cảm hứng khi các giải đấu VĐQG trở lại vào cuối tuần này. Mọi đội bóng chỉ có thể thành công cả trong và ngoài sân cỏ nếu tất cả sát cánh cùng nhau".
Dư luận nghi ngờ quan diểm "nói và làm" của người đứng đầu UEFA
Không ai rõ những gì xảy ra trong phiên họp khẩn của UEFA, bởi chính chủ tịch Alexander Ceferin trong phần trả lời phỏng vấn trước phiên họp của đài truyền hình POP TV (Slovenia) đã khẳng định, bất cứ ai làm điều sai trái đều phải gánh chịu hậu quả.
Lời phát biểu đanh thép của tỉ phú Florentino Perez "UEFA chẳng dám trục xuất, kỷ luật chúng tôi đâu" xem ra đã thành hiện thực, như khẳng định một bước lùi trong quan điểm cứng rắn của UEFA đối với một nhóm đội đang nỗ lực phá hoại cấu trúc bóng đá trên toàn Cựu lục địa.
Ông bầu Florentino Perez là thủ lĩnh nhóm ly khai ESL
Truyền thông Tây Ban Nha cho rằng, chính chủ tịch Joan Laporta của Barcelona đã bí mật thông tin với UEFA về việc ESL chuẩn bị ra mắt như một hình thức "đoái công chuộc tội" do khó từ chối lời mời mọc của các đồng minh.
Người ta cũng biết rất rõ về mối quan hệ thân thiết giữa ông bầu Andrea Agnelli của Juventus với chủ tịch UEFA Alexander Ceferin (Ceferin là bạn lâu năm đồng thời cũng nhận làm bố đỡ đầu cho con trai của Agnelli) nên dù mạt sát Agnelli là "đồ rắn độc", "kẻ phản bội" nhưng Ceferin khó lòng xuống tay trừng phạt bạn thân và hủy hoại tiền đồ của Juventus!
Andrea Agnelli rời ghế chủ tịch ECA để tiện tạo phản
Không mạnh tay trấn áp ESL và những kẻ cầm đầu vì bất cứ lý do gì, UEFA mà cụ thể là chủ tịch Alexander Ceferin rõ ràng đã dung túng các đối thủ, làm tăng nguy cơ có thêm một vài trường hợp "Super League" trong tương lai. Sự việc ồn ào này xem ra chưa phải đã dừng lại ở đây khi chuyện hay còn xuất hiện về cuối, như cách nói của những người hiểu rõ nội tình UEFA và các "ông lớn" châu Âu
Bình luận (0)