Hoàng thân Jordan Ali bin Al-Hussein, người tuyên bố rút lui khỏi vòng bỏ phiếu thứ nhì tại cuộc bầu cử chủ tịch FIFA hôm 30-5, lập tức được dư luận nhắc đến như là ứng viên lớn nhất cho vị trí lãnh đạo đang bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, vai trò của chủ tịch UEFA Michel Platini, lùi hẳn vào hậu trường ở phiên họp Đại hội đồng lần thứ 65 này và chỉ “ra mặt” khi công khai tuyên bố ủng hộ ứng viên Ali bin Al-Hussein đồng thời lên tiếng kêu gọi Sepp Blatter từ chức trước ngày bầu cử, mới thực sự gây ấn tượng cho tất cả các LĐBĐ quốc gia thành viên FIFA.
Những hành động của người đứng đầu UEFA xem ra quá giá trị trong cuộc chiến với Sepp Blatter, hơn đứt vẻ cam chịu cùng thái độ “đầu hàng” vô điều kiện của vị hoàng thân xứ Jordan mà người ta tin rằng nếu có ngồi vào ghế chủ tịch, Ali bin Al-Hussein khó lòng “quản” nổi “vương quốc” mà mặt trời không bao giờ lặn” như FIFA!
Hoàng thân Ali bin Al-Hussein là phó chủ tịch FIFA, người đứng đầu LĐBĐ Jordan đồng thời cũng là sáng lập viên, chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ Tây Á. Người đàn ông 39 tuổi này cũng nắm giữ cương vị khá quan trọng ở hoàng gia Jordan khi ông là anh trai của Quốc vương Abdullah, sở hữu khối tài sản không thể ước đoán được. Các hãng cá cược lớn trên thế giới, tiêu biểu là Paddy Power, đặt “cửa” 7 ăn 4 cho khả năng vị hoàng thân này được bầu kế vị Sepp Blatter.
Cũng với tỉ lệ “chọn” tương tự, chủ tịch UEFA Michel Platini có lợi thế hơn hẳn hoàng thân Jordan dù ông chính là đồng minh của Ali bin Al-Hussein trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vừa qua. Chưa ai quên, Platini được coi là “cánh tay mặt” của chính Blatter và được chính ông chủ FIFA vận động, đưa lên chiếc ghế chủ tịch UEFA năm 2007 ngay trước mũi Lennart Johansson và Franz Beckenbauer.
Dường như trong thế giới quyền lực bóng đá, chưa bao giờ tồn tại khái niệm đồng minh trên mọi phương diện. Những người chung mục đích chỉ sát cánh cùng nhau trong một chiến dịch nhưng ngay sau đó sẵn sàng đương đầu cùng nhau ở một chương trình tranh cử khác hứa hẹn hấp dẫn và sôi động không kém!
Ngoài thành tích lẫy lừng khi còn thi đấu, Platini có một thời gian ngắn, rất ngắn nhưng thành công vang dội trong vai trò HLV ở đội tuyển Pháp. Nắm quyền ở UEFA, Platini thay đổi các nguyên tắc, mở rộng giải vô địch châu Âu (EURO) và cả hệ thống thi đấu của tổ chức này.
Cựu nhà báo thể thao Đức Wolfgang Niersbach, chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ Đức, một trong những trụ cột của UEFA lẫn FIFA, cũng được đánh giá cao. Ông công khai “bật” lại Blatter sau khi ông này tái đắc cử với phát biểu mạnh mẽ: “Tôi không tin Blatter chịu thay đổi, nhất là ở tuổi 79 của ông ta khi mọi thứ đã định hình. Tôi quan tâm đến việc nội tình FIFA rồi đây sẽ còn dậy sóng. FIFA cần phải mạnh mẽ hơn…”.
Jerome Champagne, một trong những ứng viên của cuộc bầu cử chủ tịch FIFA, sau khi tuyên bố tranh cử đã phải nhanh chóng rút lui năm 2014 do không kiếm được sự ủng hộ cần thiết. Ông có hơn 10 năm làm việc ở FIFA qua nhiều cương vị, trong đó có vai trò cố vấn các vấn đề quốc tế cho Blatter cũng như đảm nhiệm chức vụ phó tổng thư ký FIFA trước khi rời tổ chức này năm 2010.
Jim Boyce, chủ tịch LĐBĐ Bắc Ireland trong 12 năm và từng là phó chủ tịch FIFA cho đến trước cuộc bầu cử chủ tịch tuần rồi. Ông tuyên bố rút lui, nhường vị trí của đại diện Vương quốc Anh tại FIFA cho cựu giám đốc điều hành CLB Man United, David Gill.
Một số ứng viên khác cũng được nêu tên như Chủ tịch LĐBĐ Hà Lan Michael van Praag, cựu danh thủ Pháp David Ginola nhưng lại không có tên Luis Figo, ứng viên chủ tịch FIFA vừa rút lui ngay trước thềm phiên Đại hội đồng lần thứ 65 vì “ghê tởm những tồn tại khó tin trong nội bộ FIFA”.
Bình luận (0)