Southampton là đội bóng Anh đầu tiên xác nhận việc cầu thủ và các thành viên ban huấn luyện đồng ý giảm một phần lương trong ba tháng 4, 5 và 6 để giảm bớt khó khăn trong mùa đại dịch, đổi lại lãnh đạo CLB cam kết không đưa hàng trăm nhân viên vào "Chương trình duy trì việc làm", đồng nghĩa với việc chính phủ Anh sẽ không phải gánh 80% mức lương cơ bản của những người làm công cho đội bóng.
Không phải CLB Ngoại hạng nào cũng làm được như ở Southampton khi các đội bóng có tiềm năng tài chính vững vàng như Tottenham, Newcastle, Bournemouth và Norwich lần lượt trút một phần khó khăn tài chính lên vai chính quyền, vốn đã đau đầu lo phòng chống đại dịch bùng phát khủng khiếp ở xứ sở sương mù. Liverpool, đội bóng đạt doanh thu gần nửa tỉ bảng trong năm qua, lúc đầu tuyên bố đưa đội bóng vào "Chương trình duy trì việc làm" nhưng bị chỉ trích dữ dội nên phải rút lại.
Cầu thủ Ngoại hạng Anh lập quỹ quyên góp 4 triệu bảng cho việc phòng chống dịch Covid-19Ảnh: The Sun
Sau cuộc họp hồi giữa tuần của đội trưởng 20 CLB Ngoại hạng Anh, tiền vệ Jordan Henderson được cử là đại diện giới cầu thủ để bày tỏ quan điểm không đồng ý việc cắt giảm lương. Theo thủ quân của Liverpool, một bộ phận các cầu thủ nhận lương rất cao không đại diện cho đa số đồng nghiệp của họ tại Giải Ngoại hạng vốn chỉ nhận lương dưới mức sàn 3,2 triệu bảng/năm và phải đóng thuế gần 50% tổng thu nhập. Việc cắt giảm lương sẽ tác động mạnh tới cuộc sống của họ, chưa kể những người đối mặt với khả năng bị giảm lương lần nữa nếu đội bóng chủ quản rớt hạng.
Jordan Henderson cũng chỉ ra việc giới chủ các CLB Anh thủ lợi ra sao nếu cầu thủ chịu giảm 30% lương. Trong trường hợp này, các CLB tiết kiệm được khoảng 500 triệu bảng, còn chính phủ Anh thất thu cỡ 200 triệu bảng tiền thuế. Không chấp nhận làm giàu cho giới chủ, thay vì giảm lương, các cầu thủ khẳng định sẵn sàng trích một phần thu nhập để ủng hộ trực tiếp cho ngành y tế để chống dịch.
Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) Gordon Taylor cùng chung quan điểm khi khẳng định các CLB Ngoại hạng Anh có thừa tiền để trả lương cho cầu thủ đến hết mùa giải. Ông cho rằng, chính các CLB đã lợi dụng tình hình hỗn loạn để trục lợi, thu vén thêm cho túi tiền riêng các ông chủ.
Theo các chuyên gia, nếu bị ép giảm lương, các cầu thủ có quyền rời bỏ đội bóng do điều khoản quan trọng bậc nhất trong hợp đồng thi đấu bị vi phạm. Khi đó, cầu thủ có quyền đơn phương kết thúc hợp đồng, sau đó chuyển sang CLB khác dưới dạng tự do, hoặc kiện CLB chủ quản ra tòa.
Bình luận (0)