Khoảnh khắc chứng kiến thầy trò của HLV Mai Đức Chung bước ra sân vận động McLean Park (được xây dựng từ năm 1911) thật là tuyệt làm sao. Chúng tôi có khoảng 350 kiều bào trong tổng số 6.300 người dự khán trận đấu, tay phất phới cờ đỏ sao vàng tạo nên một nhiệt lượng nóng bỏng góp phần xua tan đi cái lạnh 10 độ C và gió buốt lên tới 11 km/giờ. Thời tiết này ở Napier gây khó khăn ít nhiều cho những tuyển thủ Việt Nam vốn chỉ mới tới New Zealand vào 4 ngày trước.
CĐV Việt Nam cổ vũ tuyển nữ Việt Nam trong trận giao hữu với New Zealand ngày 10-7
Trước giờ bóng lăn, đại sứ Nguyễn Văn Trung cùng đại diện cộng đồng người Việt tại New Zealand đã tới thăm hỏi và động viên Huỳnh Như cùng đồng đội. Lúc đội tuyển Việt Nam hát Quốc ca dưới sân, nhóm hàng trăm kiều bào cũng hát vang một góc khán đài, vô cùng xúc động và hào hùng. Rời quê hương sang xứ người học hành đã 5 năm, tôi không khỏi phấn khích khi lần đầu tiên trong đời tận mắt thấy những "cô gái kim cương" như đội trưởng Huỳnh Như, thủ môn Trần Thị Kim Thanh, tiền đạo Phạm Hải Yến… thi đấu trên sân cỏ. Chúng tôi cảm phục tinh thần lăn xả của cả đội với chiến lược phòng thủ chặt và phản công.
Những đợt tấn công của tuyển Việt Nam hướng về phía khung thành tuyển Kiwi - dù không nhiều - nhưng luôn nhận được tiếng reo hò cổ vũ từ khán giả. Chúng tôi vỗ tay tán thưởng cho sự phối hợp ăn ý của Thu Thảo, Mỹ Anh; hò reo khi Huỳnh Như, Thanh Nhã có cơ hội dốc bóng dũng mãnh... Đáng cảm phục nhất là khi bị thủng lưới trước, các tuyển thủ Việt Nam vẫn giữ được tinh thần chiến đấu chứ không có dấu hiệu nản lòng. Đây là điều mà mẹ tôi cùng các bạn bè người Việt tâm đắc và tự hào nhất khi xem trận đấu. Bên cạnh đó là lời khen ngợi thủ thành Kim Thanh đã thi đấu xuất sắc để ngăn không cho chân sút CJ Bott hay đội trưởng Ali Riley ghi thêm bàn thắng, giữ sạch lưới trong cả hiệp 2.
Đêm qua mẹ con tôi phải ngủ lại Napier để sáng lái xe về lại Auckland mất khoảng 6 giờ. Khá mệt và lạnh nhưng trong lòng ai cũng rất vui vì được xem trận đấu. Chúng tôi thầm chúc tuyển chủ nhà New Zealand có thêm động lực để đi sâu vào giải đấu FIFA Women’s World Cup trên sân nhà. Nhưng hơn hết mọi điều là mong đội tuyển Việt Nam yêu thương sẽ làm nên điều kỳ diệu tại giải đấu lịch sử sắp tới.
Cần khắc phục kẽ hở hai cánh hàng phòng thủ
Đối đầu đội tuyển New Zealand, thầy trò HLV Mai Đức Chung nhận thất bại 0-2 chiều 10-7. Dù thua nhưng đây là một trận đấu giao hữu bổ ích để nhận ra những vấn đề cần khắc phục.
Theo cựu tuyển thủ Đỗ Thị Ngọc Châm, đội New Zealand chơi nhanh, áp sát mạnh hơn so với đội tuyển Đức, nhìn chung các cầu thủ New Zealand nhỉnh hơn Việt Nam về mọi mặt. Đội chủ nhà nhanh chóng tấn công ngay từ đầu do vậy đội tuyển nữ Việt Nam bị dồn ép trong phần lớn thời gian thi đấu, đặc biệt là 45 phút đầu tiên.
Với sự trở lại của Huỳnh Như, HLV Ngọc Châm nhận xét: "Huỳnh Như là tiền đạo thiên về kỹ thuật, khéo léo nhưng không phải mẫu tiền đạo tranh chấp bóng tốt. Với lối chơi hôm nay, Huỳnh như gặp bất lợi khi phải lùi sâu, lấy bóng". Theo Ngọc Châm, việc mới hồi phục chấn thương khiến đội trưởng tuyển Việt Nam có phần e ngại khi tranh chấp.
Sau giờ nghỉ, HLV Mai Đức Chung đã có những thay đổi về nhân sự đẩy Huỳnh Như trở lại vị trí sở trường và tuyển nữ Việt Nam đã thi đấu tốt hơn trong hiệp 2. HLV Nguyễn Tuấn Phong nhận xét trận đấu này có sự thử nghiệm "tấn công vào trung lộ hướng đến Huỳnh Như, Hải Yến". Song lối đá không hiệu quả bằng việc đưa bóng ra hai cánh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt tốc độ của Bích Thùy và Thanh Nhã (trong trận gặp tuyển Đức). Việc dồn bóng vào trung tâm khiến Huỳnh Như, Hải Yến gặp khó do phải đối mặt với các trung vệ cao lớn.
Cựu tuyển thủ Ngọc Châm nhấn mạnh cần sớm khắc phục lỗ hổng ở hai cánh hàng phòng thủ, khung thành tuyển nữ Việt Nam nhiều lần rơi vào nguy hiểm do đối phương đã liên tục khai thác vào kẽ hở này.
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ còn 1 trận giao hữu với tuyển Tây Ban Nha vào ngày 14-7, sau đó chính thức vào giải đấu gặp tuyển Mỹ ngày 22-7.
Quốc An
Bình luận (0)