Bộ tứ Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyền và Trần Thị Yến Hoa hoàn thành nội dung 4x100 m với 43 giây 88, vượt qua Thái Lan về thứ hai với 44 giây 62, lập kỷ lục SEA Games tồn tại 10 năm (kỷ lục cũ thuộc về Thái Lan với 44 giây). Đây cũng là chiếc HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam ở nội dung này tại đấu trường SEA Games và là ngôi vô địch thứ 3 tại Malaysia của Tú Chinh, người đã giành HCV 100 m và 200 m khi lần đầu tham dự SEA Games.
Theo Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy, đây là sự kiện lớn, đánh dấu một bước phát triển mới cho điền kinh Việt Nam dù trước đây chúng ta có nhiều HCV cá nhân. Theo ông Thủy, 4x100 m là một trong những cự li khó vì không chỉ đòi hỏi các VĐV có tốc độ mà còn cần tinh thần đồng đội cũng như sự phối hợp tốt giữa các VĐV. Đặc biệt, ở cự li này, trong các giải đua khu vực, Việt Nam chưa bao giờ vượt qua được Thái Lan.
Tú Chinh (bìa trái) và đồng đội nhận HCV sau kỳ tích ở cự ly 4x100 m
Với HLV Vũ Ngọc Lợi, đây là chiếc HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Ông Lợi và các cộng sự thấy khả năng có thể vượt qua Thái Lan từ những năm 2009 nhưng trở ngại lớn nhất chính là các VĐV ở nội dung này lại không tập trung tập luyện cùng một chỗ. Phải sau chiếc HCB ở Giải Thái Lan mở rộng vào đầu năm 2017 (về nhì sau chủ nhà), đội mới được quan tâm. Ngay cả việc tập trung tập luyện cũng là những mối lắp ghép, khi các đội khác tập luyện ở nước ngoài thì các tuyển thủ ở nội dung này phải gói ghém vào TP HCM và ở nhờ Trung tâm TDTT Thống Nhất để lắp ghép đội hình. Rồi mỗi VĐV khi tập luyện đều là "gà chiến" ở các nội dung khác nhau nên vừa phải theo thầy Lợi vừa phải theo các HLV của mình để tập giáo án riêng. Vì những điều đó mà một số VĐV đã gọi đùa đội 4x100 m là đội LOGO (tên một trò chơi lắp ghép) của điền kinh Việt Nam.
Ngoài ngôi vô địch lịch sử của đội 4x100 m, điền kinh Việt còn giành thêm 2 HCV nhờ công Nguyễn Thị Oanh (5.000 m nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), nâng tổng số HCV môn này mang về cho đoàn Việt Nam lên đến 14 chiếc, trở thành "mỏ vàng" của thể thao nước nhà. Chỉ về nhì sau Oanh chiều 25-8 nhưng "nữ hoàng chân đất" Phạm Thi Huệ gây bất ngờ với đôi giày mới.
Một ngày trước, cô đã đoạt HCB 10.000 m nữ với đôi chân trần. Chiều 25-8, dù Nguyễn Thị Oanh khá mạnh nhưng các HLV vẫn quyết đưa Huệ vào chạy cùng nhằm bổ sung sức mạnh cho các tuyển thủ Việt Nam và chiến thuật hợp lý mang lại kết quả tốt nhất. Đáng tiếc cho Nguyễn Văn Lai ở nội dung 10.000 m nam, khi anh bất ngờ để đối thủ vượt qua ở 3 vòng đua cuối và về nhì sau 1 VĐV Indonesia.
Quyền taekwondo xuất trận
Trong ngày 26-8, các cô gái vàng taekwondo của Việt Nam sẽ ra quân, gồm: Châu Tuyết Vân, Liên Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Lệ Kim để bảo vệ chiếc HCV nội dung quyền đồng đội nữ. Ngoài ra, Châu Tuyết Vân cùng Hồ Thanh Phong còn nhận nhiệm vụ mang về cho Việt Nam thêm chiếc HCV ở nội dung quyền đôi nam - nữ.
Ở môn petanque, 4 cô gái Đào Thị Hồng Hiên, Nguyễn Thị Cẩm Duyên, Nguyễn Thị Thúy Kiều, Nguyễn Thị Trang sẽ bắt đầu hành trình lấy HCV với nội dung bộ ba nữ. Môn thể dục nghệ thuật sẽ tranh tài để bước vào chung kết cùng ngày với nội dung đồng đội nữ.
Ở môn bơi, Ánh Viên tiếp tục với 3 nội dung 100 m bướm, 200 m tự do và 50 m tự do; Lâm Quang Nhật sẽ bảo vệ HCV 1.500 m tự do nam.
* Tính đến hết ngày 25-8, đoàn Việt Nam vẫn xếp hạng nhì trên bảng tổng sắp huy chương với 44 HCV, 28 HCB và 45 HCĐ. Dẫn đầu là Malaysia (68, 45, 45); hạng 3 và 4 lần lượt là Singapore (39, 33, 38), Thái Lan (34, 50, 54)…
Q.LIÊM
Bình luận (0)