Bao giờ các tuyển thủ Việt Nam cũng ra trận bằng quyết tâm cao nhất, kể cả ở các môn thi đấu cá nhân hay tập thể. Vì thế, nhiều người hâm mộ đã rơi nước mắt với trận tranh tài quả cảm của nữ lực sĩ cử tạ Hoàng Thị Duyên. Đây chính là nhân vật mà hãng tin AP đánh giá có khả năng mang về một tấm huy chương cho thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic Tokyo, thậm chí là ngôi á quân, ở nội dung có sự góp mặt của Kuo Hsing-chun, lực sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) từng 4 lần vô địch thế giới, giành 3 danh hiệu vô địch châu Á cùng với tấm HCV Asian Games 2018.
Nếu như ứng viên vô địch người Ecuador Maria Alexandra Escobar sớm tự loại mình khỏi cuộc chơi do thực hiện 3 lần cử giật bất thành thì chính Ban Huấn luyện tuyển Việt Nam cũng phải ngỡ ngàng với sự xuất hiện không mong đợi của 2 lực sĩ Polyna Guryeva (Turkmenistan) và Dora Tchakounte (Pháp). Cả hai đánh bại Hoàng Thị Duyên và suýt thành công với màn lật đổ lực sĩ chủ nhà Andoh Mikiko.
Đối thủ quá mạnh nên Hoàng Thị Duyên chỉ có thể xếp vị trí thứ 5 chung cuộc hạng 59 kg nữ, kết quả kém xa màn trình diễn giành HCĐ của chính cô gái người dân tộc Giáy quê Lào Cai tại Giải Vô địch châu Á hồi tháng 4-2021 này. Hoàng Thị Duyên không đánh mất phong độ bản thân, như những gì người ta chứng kiến cô thi đấu kiên cường ra sao tại Nhật Bản, nhưng rõ ràng các đối thủ của cô được hưởng lợi từ thực tế khách quan.
Hoàng Thị Duyên xếp thứ 5 tại Olympic Tokyo hạng 59 kg nữ. Ảnh: REUTERS
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp suốt thời gian qua chính là một nguyên nhân khiến TTVN "hụt hơi" trong toàn bộ chiến dịch tham gia đấu trường lớn Thế vận hội, từ việc thi đấu giành chuẩn tham dự cho đến quá trình chuẩn bị đến Tokyo. Ngay cả ngành thể dục thể thao cũng rất thụ động trong việc ứng phó với tình hình chung, khiến chiến dịch Olympic của TTVN nắm chắc phần bất lợi ngay từ trước khi ra quân.
Cho đến nay, không ai hiểu vì sao các thành viên chủ chốt của đội tuyển cử tạ - từ ban huấn luyện cho đến các tuyển thủ lại không được tạo điều kiện thực sự phù hợp trong giai đoạn phải cách ly sau khi trở về nước từ Uzbekistan hồi tháng 4 vừa qua. Toàn đội được đưa về tập trung tận Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), nơi cách ly với khẩu phần ăn được cung cấp trị giá 30.000 đồng/bữa, khác biệt quá xa với chế độ dinh dưỡng lên đến 320.000 đồng/ngày dành cho các tuyển thủ làm nhiệm vụ tại Olympic.
Ăn uống không đủ chất trong giai đoạn cần tích lũy sức mạnh đã đành, tuyển cử tạ còn không thể tập luyện do không có trang thiết bị tại nơi cách ly, chưa kể phải cách ly 2 đợt liên tiếp tổng cộng 42 ngày do xuất hiện bệnh nhân F0 tại chính khu vực tập trung Bàu Bàng, ngay trước ngày mãn hạn đợt 1.
Không phải không có quyền hy vọng với Nguyễn Văn Đương (boxing), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng (bơi) hay Quách Thị Lan (điền kinh), các tuyển thủ sẽ còn xung trận trong những ngày tới. Tuy vậy, họ phải đối mặt cùng dàn hảo thủ đến từ khắp thế giới - Nguyễn Văn Đương gặp võ sĩ Mông Cổ là đương kim vô địch châu Á, Asian Games, hạng 3 thế giới; Quách Thị Lan chỉ xếp hạng 20 cự ly 400 m rào nữ hay Nguyễn Huy Hoàng thành tích tròm trèm Top 30 ở cả 800 m lẫn 1.500 m tự do nam, nên khả năng tranh chấp huy chương gần như bằng 0 và chỉ mong vượt qua chính mình ở lần ra "biển lớn" này.
Bình luận (0)