Đó mới chỉ là khoản tiền giải phóng hợp đồng của ngôi sao 25 tuổi người Brazil. Còn nếu tính mức lương 30 triệu euro/năm và hàng chục loại phí khác, thương vụ này khiến đội bóng giàu nhất nước Pháp tốn khoảng 500 triệu USD.
Tất nhiên, khi bỏ ra số tiền khổng lồ trên thì trong mắt những ông chủ người Qatar đang sở hữu PSG, đó phải là con số rất đẹp. 222 tượng trưng cho World Cup 2022 mà Neymar sẽ là đại sứ hình ảnh cho bóng đá Qatar. Còn trong mắt giới làm luật, thương vụ Neymar giống như một đòn trí mạng đánh thẳng vào Luật Công bằng tài chính mà LĐBĐ châu Âu (UEFA) luôn theo đuổi với tiêu chí không đội bóng nào được chi nhiều hơn thu.
Vậy Neymar cùng các cộng sự đã làm thế nào để khiến đội bóng cũ Barcelona, UEFA cùng ngành thuế Pháp và Tây Ban Nha phải ngậm ngùi bó tay trước tuyên ngôn quen thuộc của các đại gia bóng đá "cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền"? Ông Thierry Granturco, một luật sư chuyên về luật thể thao, đã nhanh chóng tìm hiểu và lý giải điều này trên Sports, tờ báo được xem là thân với Barcelona.
Neymar (giữa) trong buổi tập đầu tiên cùng PSG nhưng anh sẽ vắng mặt trận mở màn với Amiens do chưa hoàn tất thủ tục đăng ký thi đấuẢnh: AS
Hè năm ngoái, M.U mất 105 triệu euro để biến thương vụ Paul Pogba trở thành kỷ lục chuyển nhượng bóng đá thế giới. Có điều, chẳng ai bắt bẻ được "quỷ đỏ" vì họ đứng trong tốp 10 CLB có doanh thu cao nhất thế giới. Ngược lại, PSG chưa phải là một thương hiệu toàn cầu bất chấp họ có những ông chủ Hoàng thân Qatar giàu kếch xù, và Luật Công bằng tài chính của UEFA vẫn là rào cản nếu đội bóng này dám bỏ ra 222 triệu euro mua Neymar. Vậy là thay vì PSG đi mua - vừa có nguy cơ bị UEFA cấm đá Champions League vừa phải đối mặt việc bị Tây Ban Nha truy thu 40% thuế (tức 89 triệu euro), họ lách luật bằng cách biến thương vụ này thành chuyện cá nhân của Neymar và thành viên Hoàng gia Qatar. Họ ký kết với Neymar thông qua Quỹ Đầu tư tài chính Qatar.
Bằng cách thông qua bên thứ ba, PSG sẽ tiết kiệm được cả đống tiền phải đóng cho cục thuế 2 nước. Riêng Neymar, với danh nghĩa "đại sứ hình ảnh World Cup 2022 ở Qatar", có 222 triệu euro nộp cho Barca "chuộc thân" rồi sang PSG với tư cách cầu thủ tự do.
Chiêu trò của PSG - không phải bỏ ra đồng nào phá vỡ hợp đồng, cũng không cần đàm phán với Barca - đang được khá nhiều ông chủ giàu có, đặc biệt là các đội bóng nhà giàu của vùng Vịnh cũng như Trung Quốc, áp dụng. Như vậy, có thể thấy dù UEFA có Luật Công bằng tài chính thì cũng chỉ áp dụng cho đội bóng, còn cá nhân cầu thủ hoàn toàn có quyền tự bỏ tiền "chuộc thân". Lỗ hổng này có thể nói là rất lớn nên ở thời điểm hiện tại, Neymar đang là kỷ lục gia của chuyển nhượng bóng đá thế giới nhưng không ai dám chắc 1-2 năm nữa, kỷ lục này sẽ còn bị phá xa đến mức nào!
Bình luận (0)