Bị dời hoãn một năm, đúng 20 giờ ngày 23-7 (giờ địa phương), Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia tại thủ đô của Nhật Bản, khởi đầu cho 17 ngày sôi động của thể thao thế giới trong sự kiện được chờ đợi diễn ra 4 năm một lần.
Không hoành tráng với màn trình diễn đầy sắc màu của đông đảo vũ công, không là nơi phô diễn những đạo cụ hay màn hình khổng lồ, cũng chẳng có thứ ánh sáng ảo diệu lấp lánh xen lẫn hình ảnh được tạo dựng từ công nghệ 4D hiện đại, lễ khai mạc Olympic Tokyo được mô tả là "màn trình diễn nho nhỏ, một buổi biểu diễn nghiêm túc mang vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản và đặc biệt phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp".
Olympic Tokyo 2020 - Cùng nhau nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn Ảnh: REUTERS
Olympic Tokyo 2020 diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8, với khoảng 15.000 VĐV đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 33 môn thể thao với 339 nội dung, 339 bộ huy chương.
Sự nghiêm túc, chân thành của quốc gia chủ nhà là điều có thể cảm nhận được bởi chỉ riêng việc để Olympic được diễn ra đến thời điểm này thực sự là cố gắng rất lớn của TP Tokyo cũng như của cả chính phủ Nhật Bản. Chỉ riêng việc kỳ đại hội thể thao này bị dời hoãn 1 năm đã "đội" chi phí lên cỡ 2,8 tỉ USD. Khi chính thức được công bố là chủ nhà của Thế vận hội 2020 hồi năm 2013, ngân sách ban đầu dành cho công tác tổ chức được Nhật Bản ước tính vào khoảng 7,3 tỉ USD. Thế nhưng ở thời điểm hiện nay, chính phủ nước này cho hay phải duyệt chi khoảng 22 tỉ USD trong khi nhiều nguồn tin chính thống khẳng định, ngân sách Nhật Bản sẽ phải thanh toán cỡ 28 tỉ USD trước khi đại hội kết thúc.
Phần vượt hơn 200% so với ngân sách ban đầu thoạt nhìn có vẻ khá lớn nhưng Nhật Bản không phải quốc gia đầu tiên phải gánh chịu tình trạng này. Thế vận hội mùa Đông 2014 ở Sochi (Nga) vượt ngân sách 289%, trong khi Thế vận hội 2016 ở Rio (Brazil) vượt ngân sách đến 352%... Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội bị đình trệ, từng vùng hoặc cả quốc gia bị phong tỏa đã tạo ra các hạn chế đặc thù. Điều này chắc chắn sẽ biến Olympic Tokyo 2020 thành kỳ đại hội tốn kém nhất trong lịch sử.
Toàn cảnh khai mạc Olympic Tokyo 2020 Ảnh: REUTERS
Không mang lại nguồn lợi to lớn cho ngành du lịch như ở các kỳ Thế vận hội khác, Olympic Tokyo còn làm tiêu tốn hàng tỉ USD của chủ nhà Nhật Bản do các cuộc tranh tài diễn ra trên sân đóng kín cửa, đồng nghĩa với việc thất thu nặng nề hơn ở các lĩnh vực tài trợ, quảng cáo, bán vé vào sân cho khán giả trong nước và quốc tế cùng nhiều hoạt động thương mại khác.
Các nhà kinh tế dự báo Tokyo chắc chắn sẽ lâm vào cảnh suy kiệt tài chính sau đại hội. Nghèo hơn nhưng cũng phải làm, các khoản đầu tư đều đã được thực hiện nên chính phủ Nhật Bản không thể trì hoãn việc tổ chức, nhất là khi quốc gia này có được động lực mạnh mẽ từ con số trên 4 tỉ người theo dõi sự kiện trên toàn thế giới. Thương hiệu và hình ảnh quốc gia cũng là vấn đề cốt tử để người Nhật phải cố gắng hoàn thành mục tiêu.
Thêm một cụm từ vào câu khẩu hiệu quen thuộc của phong trào Olympic để mang ý nghĩa mới "Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn, Cùng nhau" (Faster, Higher, Stronger, Together), ý tưởng của buổi lễ khai mạc "Liên kết lại bởi cảm xúc" thêm một lần nữa khẳng định phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, rằng thế giới đang tìm kiếm một khoảnh khắc hy vọng và Olympic Tokyo chắc chắn diễn ra đúng lúc, chuyển tải thông điệp tích cực thực sự về sự đoàn kết, hòa bình và hy vọng từ Nhật Bản, từ Tokyo đến toàn thế giới.
Bình luận (0)