xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó khăn khi “xã hội hóa” khai thác

Kỳ Nam - Hoàng Thanh - Cao Nguyên

Việc lãnh đạo UBND TP Hà Nội thí điểm chuyển giao sân Hàng Đẫy cho CLB Bóng đá Hà Nội quản lý, khai thác là đúng nhưng ở nhiều địa phương, do điều kiện đặc thù nên không dễ chuyển giao hoặc “xã hội hóa” khi khai thác sân bãi

Sân vận động (SVĐ) 19-8 Nha Trang là SVĐ lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa, đã được giao cho Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao thuộc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) quản lý theo cơ chế tự thu, tự chi. Tuy nhiên, SVĐ này đang trong tình trạng xuống cấp.

Chỉ đủ tiền sửa chữa nhỏ

Tại khán đài A SVĐ 19-8, nhiều tấm mái che đã hư hỏng, chực chờ rớt xuống. Các cửa ra vào bằng tấm sắt lớn ở khán đài D không ai dám mở; nhà vệ sinh cũng nhếch nhác, không được đầu tư, nâng cấp… Sân cỏ SVĐ 19-8 đang được làm lại, bón phân, đắp đất để phục vụ trận đấu Sanna Khánh Hòa BVN tiếp Than Quảng Ninh vào ngày 12-2 ở V-League 2017.


Đội bóng Sanna Khánh Hòa BVN tập luyện trên sân vận động 19-8 Ảnh: Kỳ Nam

Đội bóng Sanna Khánh Hòa BVN tập luyện trên sân vận động 19-8 Ảnh: Kỳ Nam

Không giấu nỗi lo về tình trạng xuống cấp của SVĐ 19-8, ông Nguyễn Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao Khánh Hòa, cho biết trung tâm có thể phải chịu phạt vì sân bãi không đáp ứng các giải đấu lớn. Kinh phí duy tu bảo dưỡng đều lấy từ nguồn thu dịch vụ thi đấu thể thao của trung tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn thu này chủ yếu để duy trì việc quản lý, sửa chữa nhỏ chứ không thể sửa chữa, thay thế các hạng mục lớn.

“Một trận đấu V-League, Sanna Khánh Hòa BVN hỗ trợ kinh phí tổ chức khoảng 49 triệu đồng, tiền bán vé thì đội bóng thu. Số tiền này được chi trả cho công tác an ninh, cứu hỏa, cứu thương, điện nước…; còn lại không nhiều để sửa chữa” - ông Đạt băn khoăn.

Ông Đạt cho biết sắp tới, khi Giải Bóng đá U19 quốc tế tổ chức trên SVĐ 19-8, trung tâm phải kiến nghị Sở VH-TT xin UBND tỉnh Khánh Hòa 900 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa mái che, nhà vệ sinh, quét vôi… “Nhìn nhếch nhác quá cũng khó coi” - ông Đạt giải thích.

Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT Khánh Hòa, cũng thừa nhận một số hạng mục của SVĐ 19-8 đã xuống cấp, không thể bảo đảm chất lượng 100%. “Sở đã giao toàn bộ việc quản lý, bảo trì sân bãi cho Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao nên số tiền bảo trì khoảng 40-50 triệu đồng/năm do trung tâm chi trả chứ không lấy tiền ngân sách” - ông Hùng khẳng định.

Hoạt động 2 tháng/năm

Cách đây gần 7 năm, tỉnh Kon Tum đã tiến hành xây dựng SVĐ tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum. SVĐ Kon Tum được cho là lớn nhất khu vực Tây Nguyên với kinh phí xây dựng lên tới 145 tỉ đồng và quy mô trên 20.000 chỗ ngồi. Theo thiết kế ban đầu, SVĐ Kon Tum gồm 4 mặt khán đài. Tuy nhiên, đến nay, khán đài C và D vẫn chưa hoàn thành. Chỉ tính riêng khu vực khán đài A, B hiện đã hoàn thành thì sức chứa cũng đã lên tới gần 11.000 người.

Khi đến SVĐ Kon Tum, chúng tôi chứng kiến nhiều nơi ở khán đài A, B xuất hiện các khe nứt nhỏ. Tại khu vực hành lang, các loại rác thải vương vãi khắp nơi như từ lâu chưa có người dọn dẹp. Trong sân, cỏ lau mọc um tùm nhiều nơi.

Theo ông Trần Văn Phát, Chánh Văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, SVĐ này chủ yếu phục vụ các hoạt động thể thao, duy thì việc tập luyện và thi đấu cho đội bóng của tỉnh. Do đội đang thi đấu ở Giải Hạng ba quốc gia nên một năm, SVĐ này chỉ tổ chức thi đấu vài ngày. Thời gian còn lại, SVĐ Kon Tum chủ yếu phục vụ các giải bóng đá phong trào, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng hay các hoạt động về quốc phòng. “Tính trung bình, mỗi năm, SVĐ này hoạt động khoảng 2 tháng. Việc sử dụng mặt sân chưa được nhiều” - ông Phát thừa nhận.

Khi phóng viên đặt vấn đề tại sao không cho các đơn vị khác thuê lại, nhất là các đơn vị tư nhân thuê để tổ chức, khai thác đạt hiệu quả hơn, ông Phát cho biết do SVĐ Kon Tum nằm xa khu vực trung tâm tỉnh nên nhiều đơn vị không thích. Hơn nữa, SVĐ có mặt cỏ và nhiều hạng mục, hệ thống..., khi cho thuê sẽ dễ bị hư hại. “Các đơn vị ở Kon Tum chỉ thích thuê mặt bằng ở ngay trung tâm thành phố. Để cho thuê thì chúng tôi phải tổ chức chặt chẽ, bảo đảm được hạ tầng, nói chung cũng rất khó” - ông Phát lý giải. Theo ông, nguồn kinh phí của SVĐ chủ yếu do tỉnh hỗ trợ, còn lại các sở khác hỗ trợ thêm.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-2

Cần tiếng nói chung

Để gỡ khó, nhiều nơi đã xã hội hóa, cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư sân bãi.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thực tế, các hoạt động văn hóa, thể thao khi tổ chức tốn kém nhiều kinh phí từ ngân sách. Do đó, rất cần xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân chung tay xây dựng. Vấn đề là xã hội hóa như thế nào? Mỗi địa phương có một điều kiện khác nhau. Chẳng hạn ở Khánh Hòa, chỉ có đội bóng đá, bóng chuyền được doanh nghiệp tài trợ.

Ông Tài cho rằng muốn xã hội hóa thì cơ quan chức năng và chủ đầu tư phải có tiếng nói chung. Trước hết, đây phải là mong muốn, yêu cầu của đơn vị quản lý nhà nước, sau đó là yêu cầu từ phía đối tác, nhà đầu tư. Nguyên tắc là doanh nghiệp khi đầu tư phải mang lại hiệu quả kinh tế, trong khi đơn vị quản lý nhà nước phải cân bằng nhiều mặt để phục vụ cộng đồng, xã hội.

Theo ông Tài, việc xã hội hóa SVĐ 19-8, Khánh Hòa sẽ xem xét nếu có phương án, đề xuất cụ thể để tính toán hiệu quả, không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn là hiệu quả về mặt xã hội.

Doanh nghiệp không mặn mà

SVĐ tỉnh Đắk Lắk tọa lạc ngay trung tâm TP Buôn Ma Thuột với 3 mặt tiền, là khu đất “vàng” của TP nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Nhìn từ bên ngoài, SVĐ này bị bao vây bởi những hàng quán tạm bợ, lụp xụp trông rất nhếch nhác. Ngay cả cửa vào sân, nhiều năm qua là nơi tập kết hàng hóa của những hàng quán xung quanh.

Một góc sân vận động tỉnh Đắk Lắk, nơi chỉ tổ chức vài trận đấu ở Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia
Một góc sân vận động tỉnh Đắk Lắk, nơi chỉ tổ chức vài trận đấu ở Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia

SVĐ này được xây dựng từ những năm 1980. Thỉnh thoảng, khi có những trận đấu chuyên nghiệp, ban tổ chức chỉ cho khán giả ngồi khán đài A , các khán đài còn lại bỏ trống vì sợ… sập. Bên cạnh đó, toàn bộ nơi làm việc, ăn nghỉ của Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và các VĐV được tận dụng dưới khán đài A.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Tuyền, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT, SVĐ tỉnh Đắk Lắk đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Mỗi năm chỉ có vài trận Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia nên khó khăn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư vì họ thấy không hiệu quả. Nếu có những trận đấu mang tính chuyên nghiệp, các DN tới đặt vài tấm bảng quảng cáo cũng chỉ tặng sản phẩm chứ không thu được tiền. “Hằng năm, dành dụm từ các nguồn kinh phí hoạt động, chúng tôi tiến hành sơn sửa các khán đài nhưng cũng không có nhiều tiền để sơn một lúc. Vì thế, sơn chỗ này thì chỗ kia đã cũ” - bà Tuyền nêu thực trạng.

Trước tình trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương xây dựng trung tâm TDTT, gồm cả SVĐ bóng đá, ở xa trung tâm TP Buôn Ma Thuột từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách trung ương có hạn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh đối ứng không bảo đảm nên dự án bị dừng lại. Mới đây, tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi các DN đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Theo đó, DN được sử dụng khu đất của SVĐ này, đổi lại sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Trung tâm TDTT cấp vùng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên dự án vẫn chưa được triển khai.

Nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk cũng kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT, đặc biệt là kêu gọi đầu tư vào đội bóng nhưng không DN nào thiết tha. Đối với SVĐ trung tâm, do khu vực này đã được quy hoạch là đất thương mại và đất ở, dời ra Trung tâm TDTT vùng Tây Nguyên nên càng khó trong việc kêu gọi đầu tư. Trong khi đó, trung tâm TDTT mới có chủ trương từ năm 2006 với hàng chục hạng mục nhưng đến nay chỉ mới đầu tư được 1 hạng mục là trường năng khiếu. SVĐ mới được tỉnh kêu gọi đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào tham gia.

Có lẽ thực trạng SVĐ Đắk Lắk cũng là thực trạng chung của không ít sân bóng đá tại Việt Nam…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo