Trong điều kiện sân bãi đơn giản nhất, có thể phục vụ cùng lúc cả ngàn người xem với thời gian thi đấu phù hợp nhất, bóng chuyền đã đưa mọi người dân từng làng đến với những cuộc tranh tài đỉnh cao mà nhiều người cho rằng chỉ có nằm mơ mới thấy. Quanh năm đầu tắt mặt tối với chuyện sinh kế, không phải ai cũng có điều kiện bỏ ra vài chục đến vài trăm ngàn đồng để vào xem những giải quốc gia, quốc tế mà không phải trận nào cũng hay, cũng quyết liệt như… hội làng.
Hội làng càng to, giải thưởng càng lớn và không lạ khi các đội bóng chuyên nghiệp thường xuyên cử lực lượng mạnh nhất của mình tham gia, vừa có điều kiện thi đấu cọ xát vừa cải thiện thu nhập. Trong số khoảng 30-40 giải bóng chuyền hội làng, nơi nào cũng gửi lời mời từ rất sớm để những đội bóng có tiếng, những VĐV đẳng cấp ngôi sao về thi đấu cho thêm phần khí thế. Thế là nảy sinh việc các đội bóng liên tiếp “chạy sô” suốt những ngày xuân mà theo một VĐV, “thở không ra hơi, nhưng vui”!
Không phải do là hội làng mà công tác chuẩn bị được phép sơ sài, qua loa khi nơi nào cũng có ban bệ tổ chức đầy đủ. Hữu Hà, Văn Kiều, Thanh Thuận, Phạm Kim Huệ, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân… được tiếp đón đúng nghĩa những thần tượng, chỉ riêng việc giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm đã tốn không ít thời gian.
Cứ từ 9 giờ sáng cho đến lúc sập tối, thời tiết khá lạnh nhưng sân làng lúc nào cũng đông nghịt người xem. Mang tính biểu diễn là chính, các cầu thủ trổ hết tài nghệ nhằm cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt, càng giằng co càng được cổ vũ hết mình. Sau những pha bóng hay, những cú tấn công hiệu quả hay đơn giản chỉ là một pha liều mình cứu bóng đẹp mắt, các VĐV chuẩn bị sẵn tinh thần để được nhận thưởng ngay trên sân. “VĐV số 15 chắn bóng hay, thưởng 2 triệu đồng”, “VĐV số 8 đập bóng sau vạch 3 m thưởng 3 triệu đồng”… loa phóng thanh đọc rành rọt và những chiếc phong bì thưởng nóng được trao dồn dập cho VĐV. Trận đấu liên tục phải tạm dừng nhưng chẳng ai cảm thấy khó chịu bởi đó mới là lúc có nhiều tiếng cười, những tràng vỗ tay, những tiếng hò reo phấn khích của người xem.
Nhiều hội làng, BTC treo hẳn một bảng danh sách lớn ở cổng, thông tin chi tiết tên tuổi những nhà tài trợ kèm mức thưởng cho giải đấu, đa phần là người dân trong làng. Cá biệt, có nơi tổng số nhà tài trợ lên đến hơn 300, phần hỗ trợ cũng đa dạng từ tiền mặt, đến đồ ăn, thức uống, thảm thi đấu và nhiều khoản chi khác. Có gia đình “tài trợ” 50 triệu đồng còn các mức thưởng 2 triệu, 5 triệu đồng nhiều vô kể. Một hội làng có tổng giải thưởng trên 500 triệu đồng, tức nhiều gấp 5 lần phần thưởng của Giải Vô địch quốc gia thi đấu gần như quanh năm. Ngay cả những đội bị loại sớm cũng được BTC thưởng hậu hĩnh, không tính tiền ăn ở, tàu xe.
Thành công nhất ở mùa hội làng năm nay, nam có Sanest Khánh Hòa với cả tỉ đồng tiền thưởng còn nữ có Ngân hàng Công Thương với nòng cốt là bộ ba tuyển thủ quốc gia Kim Huệ, Hà Hoa, Nguyễn Thị Xuân liên tiếp vô địch 4 hội làng với thu nhập mỗi người không dưới 100 triệu đồng/ngày!
Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vài năm nay đặc biệt quan tâm đến “hiện tượng” này, phần vui mừng vì môn thể thao này đến được với công chúng ngày càng nhiều, mặt khác lo lắng cũng nhiều bởi khả năng VĐV chấn thương do điều kiện thi đấu không bảo đảm. Tại lễ bốc thăm Giải Vô địch quốc gia 2017, thông tin VĐV Vũ Quang Khơi (Tràng An Ninh Bình) bị chấn thương cổ chân do dự hội làng chính là lời cảnh báo thiết thực đến mọi đội bóng.
Phong trào “hút” fan hơn chuyên nghiệp
Không chỉ bóng chuyền đỉnh cao về với hội làng, nhiều môn thể thao khác như bóng bàn, cầu lông, bóng đá… những năm gần đây đều được mùa “phủi”, tức mảng thi đấu phong trào của những môn này hấp dẫn được người chơi, người xem đông đảo hơn nhiều so với những giải chính thức trong hệ thống thi đấu quốc gia, để lại nhiều suy ngẫm về cách làm.
Bình luận (0)