Cho đến tận bây giờ, Nguyệt Anh vẫn không thể quên tai nạn kinh hoàng hồi mùa hè 2018 khi mảnh vỡ của chiếc bình thủy tinh cắt đứt một lượt 3 gân ngón tay và cả động mạnh chủ ở bàn tay phải của cô. Đau đớn về thể xác đã đành, cô gái khi ấy vừa tròn tuổi đôi mươi còn chịu đựng cả những tổn thất khó lường về tinh thần, tưởng suýt đã đánh mất cả một tương lai rực rỡ đang chờ ở phía trước.
Phạm Thị Nguyệt Anh trong màu áo Bộ Tư lệnh Thông tin
Phải ngồi nhà dưỡng thương theo dõi VTV Cup 2018 qua truyền hình, Nguyệt Anh còn bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia khi ấy đang chuẩn bị tranh tài tại Asian Games rồi Giải Vô địch châu Á cùng năm, chưa kể phải đối diện việc nghỉ thi đấu dài hạn.
Đối mặt với biến cố quá lớn ở bước khởi đầu sự nghiệp, Nguyệt Anh không hề đơn độc. May mắn nhận được sự động viên, khích lệ thường xuyên từ các thầy và đồng đội để rồi với nỗ lực, ý chí mạnh mẽ và cả sự kiên trì của bản thân, cô đã tìm được cơ hội để được trở lại với chính mình.
Nguyệt Anh trong quãng thời gian vừa bình phục chấn thương
Hàng tháng trời rong ruổi cùng đội, vừa hồi phục chấn thương vừa tập luyện, kể cả xin chuyển vị trí từ đối chuyền xuống libero để tìm kiếm cảm giác bóng, Nguyệt Anh cuối cùng đã chiến thắng được nghịch cảnh. Cô nhanh chóng trở lại sân đấu và hòa nhập ngay với lối chơi toàn đội ở những giải đấu lớn với một niềm đam mê rất mới, như để bù đắp khoảng thời gian phí hoài vì chấn thương.
Tại Giải Vô địch quốc qia 2019, với tinh thần của người lính, ý chí kiên cường truyền thống của đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin được phát huy mạnh mẽ. Thông tin LienVietPostBank đã đánh bại Ngân hàng Công Thương ở trận chung kết để lên ngôi vô địch. Bên cạnh các đồng đội đàn chị dày dạn kinh nghiệm như Đỗ Thị Minh, Bùi Thị Ngà hay Nguyễn Linh Chi, dàn VĐV trẻ như Phạm Huệ, Việt Hương, Nguyệt Anh, Kiều Trinh... đều chơi tốt mỗi khi được tung vào sân, đảm trách tốt nhất nhiệm vụ cùng toàn đội. Với cá nhân Nguyệt Anh, dù chưa đóng góp được nhiều sau chấn thương, chiến tích với cô thực sự ngọt ngào và vô cùng quý giá.
Nguyệt Anh sở hữu 3 ngôi vô địch Việt Nam cùng Bộ Tư lệnh Thông tin
Thêm một mùa giải 2020 lên ngôi vô địch với phiên hiệu Thông tin LienVietPostBank, các cô gái áo lính đánh bóng chuyền quay lại với danh xưng huyền thoại Bộ Tư lệnh Thông tin năm 2021 và tiếp tục bảo vệ thành công ngôi hậu của làng bóng chuyền nữ Việt Nam với thành tích vô tiền khoáng hậu 12 lần đăng quang.
Được đánh giá là vị trí thi đấu ấn tượng nhất, Phạm Thị Nguyệt Anh phô diễn được khả năng công thủ toàn diện với các tình huống dứt điểm uy lực, bám chắn tốt. Đặc biệt, những pha tấn công từ sau vạch 3 m rất hiệu quả giúp cô nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn lẫn người hâm mộ.
Đây cũng là danh hiệu vô địch quốc gia thứ 3 của Nguyệt Anh, cô gái chỉ mới làm quen với bóng chuyền ở tuổi 15, từ một dòng thông báo của "lò" Thông tin mà người dượng vô tình đọc được. Nhà có hai chị em sinh đôi nhưng cô em Nguyệt Ánh với chiều cao 1,72 m lại tỏ ra… tự ti, đùn đẩy cô chị Nguyệt Anh cao hơn gần 2 cm đi tham dự buổi chiêu sinh, còn mình khăng khăng theo đuổi việc đèn sách (Nguyệt Ánh hiện đã trở thành sinh viên theo học ở Huế).
Cha mẹ và cô em sinh đôi Nguyệt Ánh luôn ủng hộ Nguyệt Anh chơi bóng chuyền
Theo bóng chuyền muộn nhưng nhờ tố chất sẵn có cùng sự nghiêm túc, chăm chỉ trong tập luyện, cô gái quê Quảng Bình có sự tiến bộ rất nhanh. Nguyệt Anh sở hữu những bước đà hợp lý, sự ổn định, tính đảm bảo cao trong lối chơi cùng một tâm lý thi đấu khá vững. Sức bật sau chạy đà lên đến 2,93 m cùng tầm chắn 2,85 m chính là phẩm chất quan trọng giúp cô tạo dựng lối chơi công thủ toàn diện, vô cùng cần thiết cho đội bóng.
Tại Giải Vô địch U19 châu Á 2016, Nguyệt Anh là nhân tố quan trọng cùng đội tuyển trẻ Việt Nam có được chiến thắng lịch sử trước U19 Hàn Quốc. Cũng tại giải đấu này, cô và đồng đội giành hạng 4 chung cuộc - thành tích đáng tự hào của bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam.
Một năm sau, đội tuyển U23 Việt Nam giành hạng 3 tại Giải Vô địch U23 châu Á tổ chức ở Thái Lan. Nguyệt Anh đến nay vẫn lâng lâng cảm giác tự hào khi góp công mang về tấm huy chương đầu tiên của môn bóng chuyền tại các giải đấu cấp châu lục.
Nguyệt Anh và Bộ Tư lệnh Thông tin dự Cúp Bình Điền 2018
Lỡ cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam 4 năm trước, Nguyệt Anh cho rằng việc được triệu tập trở lại thi đấu cho màu cờ sắc áo quốc gia năm nay là vinh dự lớn lao, niềm tự hào của mọi VĐV chứ không riêng cá nhân cô.
Một năm 2022 vô cùng tất bật khi bóng chuyền nữ sẽ phải bảo vệ ngôi á quân khu vực giành được 3 năm trước, lần này ngay tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà. Trọng trách vẫn tiếp tục chờ các cô gái bóng chuyền Việt Nam tại Giải Vô địch châu Á diễn ra vào tháng 8 tại Philippines trước khi tham dự Asian Games 19 tại Hàng Châu - Trung Quốc vào tháng 9.
Xinh đẹp, tài năng, Nguyệt Anh là trụ cột của Bộ Tư lệnh Thông tin
Đây thực sự là thử thách lớn dành cho các cầu thủ nữ của Bộ Tư lệnh Thông tin, đội bóng góp quân nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia trong khi vẫn phải "gánh" trọng trách chinh chiến tại Giải Vô địch các CLB châu Á diễn ra vào cuối tháng 4 tại Kazakhstan, chưa kể phải hối hả trở về từ các giải quốc tế, chuẩn bị tiếp cho cuộc thư hùng tại Đại hội Thể thao toàn quốc vào cuối năm.
Tài năng, xinh đẹp, Nguyệt Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ VĐV trẻ tài năng của Bộ Tư lệnh Thông tin sẵn sàng thống trị ở ngôi cao nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam thêm nhiều năm nữa. Gia đình không ai theo nghiệp thể thao, vì thế, Nguyệt Anh rất biết ơn cha mẹ và em gái đã hết lòng ủng hộ cô theo đuổi bóng chuyền, có được thành công bước đầu như hôm nay.
Tự đáy lòng, cô chủ công tuổi 24 này luôn dành mọi tình cảm cho bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin, môi trường đào tạo và luyện quân thuộc hàng tốt nhất nước, làm nền tảng căn cơ cho những thành tích có lẽ là vô tiền khoáng hậu.
Hình ảnh Nguyệt Anh thu hút mọi ánh nhìn trong đời thường
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang chuyển động mạnh mẽ những năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới mà phiên hiệu nào ngay sau khi vừa ra mắt cũng đều để lại ấn tượng đậm nét như Kinh Bắc Bắc Ninh (hạng 3 hai năm 2019, 2020), Hoá chất Đức Giang Hà Nội (hai mùa liên tiếp giành ngôi á quân 2020, 2021) hay Ninh Bình Doveco (hạng 4 quốc gia 2021)…
Đây chính là thách thức lớn nhất với những đội bóng giàu truyền thống như Bộ Tư lệnh Thông Tin, VTV Bình Điền Long An, Thanh Hóa, Thái Bình… mà nếu không kịp thay đổi hướng đầu tư, cách làm bài bản, nguy cơ lớn sẽ ập đến như cách "bà chị" Ngân hàng Công Thương đã và đang phải đối mặt.
Nguyệt Anh (bìa phải) cùng Bộ Tư lệnh Thông tin giành chức VĐQG thứ 12 trong lịch sử
Trọng trách của Phạm Thị Nguyệt Anh và đồng đội, vì thế, càng nặng nề hơn và cũng đáng tự hào hơn nếu Bộ Tư lệnh Thông tin tiếp tục khẳng định vị thế tượng đài của bóng chuyền Việt.
Bình luận (0)