Mới nhất trong số này là chiến công của Iran với lần đầu tiên đánh bại một đại diện châu Âu - Xứ Wales - tại đấu trường Cúp Thế giới đang diễn ra cực kỳ sôi động ở Qatar.
Còn quá sớm để nói đến khả năng tiến xa của các đại diện châu Á dù trong quá khứ, đồng chủ nhà Hàn Quốc từng đặt chân vào đến tận vòng bán kết kỳ World Cup 2002. Đến nay, đó vẫn là thành tích tốt nhất của bóng đá các quốc gia Á - Phi vốn phát triển chậm, yếu về tính chuyên nghiệp cũng như thiệt thòi về nhiều phương diện so với làng túc cầu châu Âu hoặc Nam Mỹ.
HLV Đoàn Minh Xương
Mặc dù vậy, công tâm mà nói, ở vòng chung kết World Cup đầu tiên có đến 6 đại diện được quyền tham dự (Qatar góp mặt với vai trò nước chủ nhà), bóng đá châu Á nhiều khả năng có đến 4 đội bóng vượt qua vòng bảng, điều chưa từng xảy ra ở các giải đấu trước đây, gồm Ả Rập Saudi, Nhật Bản, Iran và có thể cả Hàn Quốc. Điều này nếu xảy ra sẽ phản ánh một sự trưởng thành vượt bậc ở cấp độ thế giới.
Cũng như nhiều đội bóng mạnh, các đại diện châu Á đã cải thiện đáng kể sức mạnh, tầm vóc và độ bền bỉ - những yếu tố từng khiến họ thua sút đối thủ ở các kỳ World Cup trước đây. Đội nào giờ cũng có cầu thủ dẫn dắt lối chơi, tổ chức thế trận bài bản với các chiến thuật tấn công, phòng ngự phản công linh hoạt với từng đối thủ. Từ Ả Rập Saudi, Nhật Bản cho đến Iran, Hàn Quốc, ê-kíp nào cũng có các thủ môn tài năng, những tiền vệ giỏi và cả các chân sút đẳng cấp, có thể kể tên Son Heung-min, Nasser Al Dawsari, Takuma Asano, Mehdi Taremi, Sardar Azmoun…
Trừ Qatar quá yếu và một tuyển Úc chưa trở lại đẳng cấp ngày xưa, người hâm mộ hy vọng sẽ được chứng kiến thêm những màn bùng nổ đáng chờ đợi từ các đại diện châu Á ở vòng knock-out và các giai đoạn tiếp theo. Câu chuyện kể dở dang "Nghìn lẻ một đêm" xứ Ba Tư xa xưa vẫn có thể được nhắc lại bằng những phiên bản hiện đại đầy mộng mơ và cũng rất thực tế trong những ngày tới.
Đào Tùng ghi
Bình luận (0)