Suốt 7 thập kỷ phát triển, Man United chỉ lên ngôi vô địch nước Anh đúng… 2 lần và ngay cả HLV tài ba Matt Busby khi lên nắm quyền cũng phải mất đến 6 năm để đưa đội bóng thành Manchester trở lại vị trí số 1 nền bóng đá xứ sở sương mù vào mùa giải 1951-1952. Thêm vài năm dốc hết tâm sức vào tuyến trẻ, Matt Busby đã gầy dựng nên một thế hệ mới cho Man United và đội quân có biệt danh "Busby Babes" tuổi mới trong ngoài 20 nhanh chóng thống trị The Football League, tiền thân của Giải Vô địch nước Anh và Giải Ngoại hạng Anh sau này.
Đội hình Man United mùa giải 1958
Hai ngôi vô địch liên tiếp các mùa giải 1955-1956 và 1956-1957 chính là bệ phóng để Man United trở thành đội bóng nước Anh đầu tiên góp mặt ở đấu trường châu Âu. Sau khi lần lượt vượt qua Shamrock Rovers và Dukla Prague ở các vòng đấu đầu tiên, Man United lọt tiếp vào tứ kết và đánh bại Sao Đỏ Belgrade trong trận lượt đi trên sân nhà Old Trafford với tỉ số 2-1. Ba tuần sau, nhà vô địch nước Anh bay đến Nam Tư để thi đấu trận lượt về và cầm chân đội chủ nhà Sao Đỏ Belgrade với tỉ số 3-3, giành quyền đi tiếp vào bán kết European Cup (sau này trở thành Cúp C1 và hiện mang tên gọi UEFA Champions League).
Chuyến bay định mệnh
Sau một đêm ăn mừng chiến thắng tại Belgrade, "Những đứa trẻ nhà Busby" ra sân bay vào sáng hôm sau, 6-2-1958, và dự kiến về đến Manchester vào buổi tối cùng ngày trên chuyến bay số hiệu BEA 609 do hai phi công James Thain và Kenneth Rayment điều khiển. Sự háo hức chờ đợi cuộc chạm trán diễn ra sau đó 3 ngày với Birmingham City tại The Football League khiến các cầu thủ Man United không khỏi nôn nao.
Các cầu thủ Man United lên máy bay về nước ngày 6-2-1958
Xuất phát từ Belgrade muộn mất một giờ và không lâu sau đó, máy bay đã hạ cánh ở Munich để tiếp nhiên liệu khi tuyết rơi nặng hạt tại sân bay nước Đức. Thời gian tiếp nhiên liệu chỉ 20 phút và mọi hành khách vẫn yên vị trên khoang máy bay. Lúc 14 giờ 31 phút, các phi công nhận tín hiệu cất cánh nhưng những tiếng động bất thường từ động cơ khi tăng tốc khiến phi hành đoàn phải quyết định cho máy bay ngừng bánh. Sau khi sự cố kĩ thuật được khắc phục, các hành khách được gọi trở lại máy bay và hai phi công quyết định lên đường, bất chấp khuyến cáo từ đội ngũ nhân viên kỹ thuật sân bay.
Máy bay cất cánh chỉ với 1 động cơ và khi "con chim sắt" khổng lồ chồm lên trong lần xuất phát thứ 3, hành khách đã thực sự hoảng sợ. Trong lúc các phi công cố gắng cất cánh thì chiếc Lord Burghley nổ tung sau khi rơi xuống đường băng với tốc độ cao, trượt theo hàng rào và lao qua con đường ven đường băng.
Chiếc máy bay gẫy nát, mang đi 21 sinh mạng gồm 7 cầu thủ M.U
Trong cảnh yên lặng đến đáng sợ của khoang máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt, thủ môn Hary Gregg hất tung các mảnh vỡ lao vào cứu một cô bé 4 tuổi đang khóc vì người thân tử nạn, lôi kéo hai đồng đội Dennis Viollet và Bobby Charton ra khỏi cảnh đổ nát bằng dây đeo bảo hiểm của họ. HLV Matt Busby khi ấy vẫn còn nằm trên sàn và kêu đau ở ngực, chân trong lúc Jackie Blanchflower bị thương nặng nằm bất động.
Ô tô cảnh sát và xe cứu thương lao nhanh đến chỗ máy bay rơi và nhanh chóng chuyển các nạn nhân tìm thấy đến bệnh viện Rechts ở Munich. 7 cầu thủ Man United là Roger Byrne (28 tuổi), Eddie Colman (21), Mark Jones (24), David Pegg (22), Tommy Taylor (26), Geoff Bent (25) và Liam Whelan (22) tử nạn tại chỗ. Trong số những người được cấp cứu, phi công Kenneth Rayment qua đời một vài tuần sau đó, cầu thủ Duncan Edwards cũng ra đi sau 15 ngày.
Cùng thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh này còn có thư ký Walter Crickmer, trợ lý HLV Tom Curry, chủ tịch CLB Bert Whalley, 8 nhà báo thể thao của Daily Mail, Manchester Evening Chronicle, Manchester Guardian, Daily Mirror, Daily Express, Daily Herald…
Một CĐV Man United trở lại thăm điểm rơi máy bay ở Munich
Trợ lý HLV Jimmy Murphy, người lỡ chuyến bay kể trên, lập tức bay sang Munich vào ngày hôm sau và tiếp nhận trọng trách dẫn dắt đội bóng ngay bên giường bệnh từ HLV trưởng Matt Busby. Trận đấu vòng 5 FA Cup với Sheffield Wednesday được hoãn vài ngày và với đội hình gồm các cầu thủ trẻ, 2 cầu thủ mới ký hợp đồng cùng đội trưởng Bill Foulkes, thủ thành Hary Gregg, Man United đã giành chiến thắng 3-0 tại sân Old Trafford. Man United sau đó lọt vào đến trận chung kết FA Cup và chỉ chịu nhường bước AC Milan với tổng tỉ số 2-5 sau hai lượt đá bán kết European Cup.
Hồi sinh từ đống tro tàn
Sau ngày 6-2-1958 tang tóc, ai cũng nghĩ Man United không sớm thì muộn cũng sẽ rơi vào cảnh diệt vong. Một bức phù điêu tưởng niệm đã được đặt trước sân Old Trafford nhưng cái tên Man United không đi vào dĩ vãng. Lời dặn dò "Dù thế nào cũng phải giữ cho lá cờ của CLB tiếp tục tung bay" với cộng sự Jimmy Murphy của HLV Matt Busby như một thông điệp vĩnh cửu, khẳng định Man United sẽ mãi tồn tại.
Phù điêu tưởng niệm trước sân Old Trafford
Ban đầu, giới chức hàng không Đức trút hết tội lên cơ trưởng Thain, viên phi công còn sống sót sau tai nạn. Phải sau nhiều năm, trải qua nhiều lần điều tra cặn kẽ, năm 1968, Thain được tuyên bố không phải chịu trách nhiệm nào về vụ tai nạn. Chính quyền Anh tuyên bố nguyên nhân chính thức của vụ tai nạn là do sự tan chảy của tuyết trên đường băng khiến chiếc máy bay không đạt yêu cầu tốc độ khi cất cánh. Thain đã bị sa thải bởi BEA ngay sau khi tai nạn xảy ra và không bao giờ tham gia vào ngành hàng không nữa, Ông nghỉ hưu, về quê lập trang trại nuôi gia cầm ở Berkshire và qua đời ở tuổi 54 vào năm 1975.
Cựu thủ môn Harry Gregg và Sir Bobby Charlton
Là một trong những thành viên còn sống sót sau vụ thảm họa, Bobby Charlton đã thực sự trưởng thành, trở thành một trong những trụ cột giúp tuyển Anh vô địch World Cup 1966 và cùng Man United lần đầu đoạt chức vô địch châu Âu năm 1968. Cựu danh thủ được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia Anh năm 1994 khẳng định, nếu thế hệ cầu thủ trẻ tài năng của Man United không gặp nạn, Real Madrid hẳn đã chẳng thể lên ngôi vô địch châu Âu 5 lần liên tiếp, thành tích vô tiền khoáng hậu của giải đấu này. Sir Bobby Charlton còn cho rằng, nếu đường băng Munich không tước đi sinh mạng 7 tài năng sáng giá cùng Johnny Berry tàn phế suốt đời (cầu thủ còn lại thiệt mạng là Liam "Billy" Whelan người Ireland), nước Anh đã có thể vô địch World Cup nhiều hơn 1 lần cũng như đã chạm đến danh hiệu EURO, còn Duncan Edwards đã có thể vĩ đại như Pele hay Maradona. Nên nhớ, chỉ với Bobby Charlton làm điểm tựa, thế hệ tiếp theo do Sir Busby tái tạo đã giúp Quỷ đỏ đăng quang ở Cúp C1 mùa 1968-1969, chỉ 10 năm sau vụ thảm họa làm rúng động ngành hàng không cũng như làng bóng đá quốc tế.
Trên đường tìm kiếm vinh quang
Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của "Quỷ đỏ" gắn với cái tên người đàn ông Scotland Alex Ferguson, vị HLV dẫn dắt đội bóng này trong 27 năm, giành 13 chức vô địch Ngoại hạng, 5 FA Cup, 4 League Cup, 10 danh hiệu Community Shield, 2 lần vô địch Champions League, 1 danh hiệu Cúp C2, 1 Siêu cúp châu Âu và 2 cúp Liên lục địa.
Sir Alex Ferguson tại lễ tưởng niệm 60 năm thảm họa Munich
Tại lễ tưởng niệm "60 năm thảm họa Munich" được tổ chức tại sân Old Trafford chiều 6-2-2018, Sir Alex Ferguson đã nhắc nhiều đến hai vị tiền nhiệm Matt Busby và Jimmy Murphy, những người truyền cảm hứng, gieo động lực cho ông khi cầm quân và giành nhiều vinh quang cho Man United. "Đoàn quân The Babes là một phần lịch sử của CLB, luôn là tấm gương cho thế hệ cầu thủ sau này phấn đấu. Bi kịch của họ đã để lại cho đời bản hùng ca tuyệt đẹp, ngợi ca những đóng góp từ lối chơi đẹp mắt, quả cảm và hiệu quả. Tinh thần của đội bóng ngày nay bắt nguồn từ những người trẻ của Matt Busby" – Sir Ferguson khẳng định.
Bình luận (0)