Nguyễn Thị Nga không chỉ là đối thủ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây của Mai Hoàng Mỹ Trang mà còn là rào cản đáng ngại bậc nhất đối với cựu vô địch Việt Nam khi nhiệm vụ của cô là mang về tấm huy chương vàng duy nhất cho bóng bàn TP HCM tại đại hội lần này. Cả 6 nội dung thi đấu trước đó, các tay vợt Hà Nội đều đã giành chiến thắng, kể cả ở đồng đội nữ lẫn đôi nữ vốn là hai nội dung thế mạnh của TP HCM.
Mai Hoàng Mỹ Trang chiến thắng ở chung kết đơn nữ Đại hội thể thao quốc gia 2022
Tương tự trận chung kết Giải vô địch toàn quốc 2020, Mỹ Trang và Nguyễn Thị Nga đối đầu căng thẳng sau 7 ván đấu và cuộc thư hùng giữa hai tay vợt nữ hay nhất Việt Nam hiện nay nghiêng chiến thắng sau cùng về cho gương mặt kỳ cựu của bóng bàn nữ TP HCM. Năm kỳ đại hội liên tiếp kể từ năm 2006, ngôi vị số một thuộc về Mỹ Trang, hệt như khi cô thống trị Giải vô địch quốc gia trong hai giai đoạn 2006-2017 và 2019-2020 với tổng cộng 12 danh hiệu quán quân nữ, những kỷ lục thuộc dạng "vô tiền khoáng hậu" của bóng bàn Việt Nam.
Mỹ Trang lần thứ 5 lên ngôi ở Đại hội thể thao toàn quốc
Hậu duệ nhà họ Mai
Sinh trưởng trong gia đình có ông cậu Mai Văn Hòa từng giành huy chương đồng thế giới và huy chương vàng châu Á, Mai Hoàng Mỹ Trang biết chơi bóng bàn từ khi mới 6 tuổi. Từ một môi trường lý tưởng, nơi ông bố Mai Văn Quang là một chủ "lò" bóng bàn, Trang đã sớm hình thành một lối chơi bài bản, toàn diện, hiện đại cùng một phong cách chuyên nghiệp. Trong vai trò người thầy đầu tiên của con gái luôn được ông cưng chiều, ông Quang ngoài việc gieo niềm say mê và thói quen khổ luyện cho Mỹ Trang, còn là việc rèn giũa tối đa cho con sớm hình thành một lối chơi có bản sắc, uy lực riêng của một tay vợt thuận tay trái.
Thuận đánh tay trái được Mỹ Trang luyện thành đòn sở trường
Với tay vợt "đối luyện" hoàn hảo là cô chị họ Mai Xuân Hằng, mới 11 tuổi, Trang đã gây sốc khi đoạt HCB Giải vô địch toàn thành. Năm 14 tuổi, Trang đã nổi lên như một hiện tượng chưa từng có với những cú giật phải và trái làm bó tay mọi đối thủ. Được ăn tập theo chương trình đào tạo "Thế hệ vàng" của thể thao TP HCM, tài năng trẻ này bắt đầu xuất hiện tại các giải đấu chính thức và lập tức cho thấy mình có thể tranh chấp sòng phẳng với các đối thủ đàn chị hàng đầu quốc gia.
Bước ngoặt quan trọng đối với sự nghiệp của Trang chính là Giải vô địch toàn quốc báo Nhân Dân 2003, nơi cô có tới hai danh hiệu khởi đầu vô cùng ngọt ngào là vô địch đồng đội nữ và đôi nữ khi đánh cặp cực kỳ ăn ý với đàn chị Trần Lê Phương Linh.
Trong 17 mùa giải liên tục kể từ năm 2003, Mỹ Trang luôn có mặt trên bục chiến thắng cao nhất tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc – Cúp báo Nhân Dân, không HCV cá nhân thì cũng là các danh hiệu đồng đội hoặc đôi… Hai mùa giải 2016 và 2020, Mai Hoàng Mỹ Trang được xướng tên trên bục chiến thắng đều với "cú ăn bốn", gồm đơn nữ, đồng đội, đôi nam nữ và đôi nữ!
Mỹ Trang- Đình Duy nhiều năm vô địch đôi nam nữ quốc gia
Dù thành công đến sớm nhưng Mỹ Trang cũng từng trải qua những thất bại cay đắng, đều ở những trận đấu quyết định. Trận thua trước đàn chị Ngô Thu Thủy ở bán kết đơn nữ Giải VĐQG 2005 khiến mọi người lo tài năng trẻ này bị " thui chột". Tuy nhiên, chính thất bại ấy đã giúp Trang càng khát khao, quyết tâm hơn và có những điều chỉnh quan trọng về chiến thuật hay cách tiếp cận trận đấu.
Nguyễn Thị Việt Linh (2012) và Nguyễn Thị Nga (2018) là hai trong số hiếm hoi các tay vợt từng khuất phục được Mỹ Trang nhưng tay vợt giàu bản lĩnh sinh năm 1988 cho thấy, tất cả chỉ là tai nạn và chính các đối thủ đàn em luôn phải thừa nhận họ chẳng thể khắc chế được Mỹ Trang, kể cả khi cô không ở đỉnh cao phong độ.
Bên kia sườn dốc sự nghiệp
Khó ai có thể biết đến khi nào Mai Hoàng Mỹ Trang mới giã từ bàn bóng dù cô đã có hơn 20 năm gắn bó với bộ môn thể thao này. Ngày Mỹ Trang tuyên bố chia tay đội tuyển quốc gia trước thềm SEA Games 31 trên sân nhà, giới chuyên môn cũng như người hâm mộ không giấu được sự luyến tiếc khi phải giã từ một tượng đài thực thụ.
Không còn gánh vác nhiệm vụ quốc gia, Mỹ Trang vẫn là thành viên chủ chốt của đội tuyển TP HCM ở các sân chơi quốc nội và không hề dễ dàng để các tay vợt trẻ có thể làm hơn nhà cựu vô địch này bởi lối chơi biến hóa và tấn công tay trái vô cùng khó chịu.
Mai Hoàng Mỹ Trang 12 năm vô địch quốc gia, vô địch 5 kỳ đại hội TDTT toàn quốc
Tấm HCV đơn nữ Đại hội thể thao quốc gia 2022 như một lời khẳng định Mỹ Trang chính là típ vận động viên "gừng càng già càng cay", thừa sức chinh phục những đấu trường đỉnh cao dù cô không còn nhiều cơ hội cọ xát, chinh chiến quốc tế sau khi chia tay đội tuyển quốc gia. Mang trong mình dòng máu "con nhà nòi", điều tiếc nuối lớn nhất đối với Mỹ Trang chính là việc cô chưa bao giờ thi đấu thành công ở các đấu trường lớn như SEA Games, Asian Games…
Thường xuyên góp mặt trong thành phần đội tuyển bóng bàn Việt Nam giai đoạn 2005 – 2019 nhưng sự thống trị của các tay vợt nữ Singapore – hầu hết đều gốc Trung Quốc nhập tịch - khiến cá nhân Mỹ Trang, bóng bàn nữ Việt Nam cùng phần còn lại của Đông Nam Á khó tạo nên bất ngờ. Rất nhiều phen nỗ lực, bản thân Mỹ Trang dù vậy lại chưa bao giờ giành quyền góp mặt tại Olympic hay đạt thành tích cao ở ASIAD.
Mỹ Trang chỉ một lần giành HCĐ đơn nữ SEA Games năm 2015
Ngay ở sân chơi khu vực như SEA Games, thành tích cao nhất của Mỹ Trang cũng chỉ là tấm HCĐ đơn nữ tại kỳ đại hội 2015. Cô để thua ngược 3-4 trước tay vợt người Thái Lan Sawettabut Suthasini tại bán kết một cách khó tin dù đã dẫn trước đến 3-0. Nốt trầm trong sự nghiệp của cá nhân Mỹ Trang cũng là lần gần nhất bóng bàn nữ Việt Nam tiến sát ngôi vô địch SEA Games đến vậy. Ba lần lên ngôi tại Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á không đủ để Mỹ Trang nguôi ngoai nỗi buồn kể trên.
Dẫn dắt thế hệ trẻ
Từng chia sẻ với truyền thông rằng mình là "người quá cũ" và lối đánh "hết sức lạc hậu", Mỹ Trang đang dồn sức cho việc đào tạo một thế hệ tay vợt trẻ có kỹ thuật và tư duy chiến thuật tốt, đủ sức chinh chiến ở mọi đấu trường cũng như giành được thành tích cao nhất.
Mỹ Trang hiện là HLV trưởng tại Học viện bóng bàn VITTA
Gương mặt phúc hậu với khả năng chiến đấu bền bỉ thời kỳ đỉnh cao là những yếu tố khiến Mai Hoàng Mỹ Trang luôn được người hâm mộ bóng bàn yêu mến và cổ vũ. Cô đem hết tình yêu ấy dồn cả vào Học viện bóng bàn quốc tế Việt Nam (VITTA), nơi cô cùng với một số đồng nghiệp ấp ủ hy vọng mang đến cho các tay vợt trẻ sự phát triển ở 4 phương diện: chiến thuật, kỹ thuật, tâm lý, thể lực, phác thảo lộ trình cá nhân hóa, khai phóng tiềm năng bóng bàn và cơ hội tham gia các hoạt động luyện tập và thi đấu, nâng cao kỹ năng ứng biến, sự linh hoạt, chiến thuật thi đấu, chiến lược cá nhân, tâm lý và bản lĩnh để đạt kết quả tốt nhất.
Bình luận (0)