Trong buổi tiễn lên đường sang Mỹ tập huấn vào những ngày đầu xuân Mậu Tuất, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam Lê Tú Chinh trải lòng: "Khó khăn lớn nhất của tôi chính là rào cản ngoại ngữ, khi vốn tiếng Anh của tôi vẫn còn hạn chế".
Cũng trong những ngày giáp Tết, người hâm mộ đã tỏ ra thích thú trước hình ảnh Lương Xuân Trường điềm tĩnh trước ống kính truyền hình quốc gia để trả lời phỏng vấn bằng ngoại ngữ một cách trôi chảy. Hay trong những ngày vinh quang của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games 2017, người hâm mộ thể thao Việt Nam đã chứng kiến kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế, khác hẳn với cô gái Cần Thơ nhút nhát, ngại nói chuyện với VĐV nước ngoài cách đây vài năm.
Theo HLV Đặng Anh Tuấn, người luôn theo sát Ánh Viên: "Để nhanh chóng tiến bộ về mặt chuyên môn, các VĐV cần phải rèn luyện cho mình vốn ngoại ngữ thật tốt để vừa có thể tìm hiểu tài liệu vừa có thể trực tiếp trao đổi cùng các HLV, bạn bè quốc tế. Có như vậy mới có thể nắm bắt trực tiếp và nhanh chóng khi bản thân có khúc mắc hay muốn học hỏi về những quy định, kỹ thuật mới".
Đội trưởng U23 Việt Nam Lương Xuân Trường tự tin trả lời phỏng vấn kênh beIN Sports sau trận tứ kết U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc Ảnh: Anh Dũng
Trở lại câu chuyện Lương Xuân Trường, khi không chỉ cầu thủ này mà tất cả các cầu thủ từ Học viện HAGL như Văn Toàn, Công Phượng hay Tuấn Anh… đều có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ. Điều này chứng tỏ tầm nhìn khá xa nằm trong mục tiêu đào tạo của "lò" nổi tiếng này: Cung cấp cho cầu thủ nền tảng tốt cả về tài năng lẫn kiến thức, ngoại ngữ. Với các môn như taekwondo, Vovinam, thể dục dụng cụ… việc các VĐV thường xuyên xuất ngoại thi đấu và tập huấn, HLV luôn bắt buộc học trò luyện ngoại ngữ phải song song với nâng cao chuyên môn.
Trong quá khứ, sự chuẩn bị chưa tốt về ngoại ngữ khiến các VĐV rất vất vả trong các chuyến thi đấu và tập huấn quốc tế. Trong làng võ vẫn nhớ việc tranh luận nảy lửa giữa các HLV pencak silat0 dẫn đến một trưởng đoàn bị CĐV vây đánh tại SEA Games 2011 ở Indonesia chỉ vì bất đồng ngôn ngữ. Với một nữ kình ngư nổi tiếng khác của TP HCM được đưa đi tập huấn ở nước ngoài, nếu có vốn ngoại ngữ tốt chắc chắn thành quả cô đạt được sẽ còn tốt hơn so với thành tích khá khiêm tốn thời gian vừa qua.
Việc dạy ngoại ngữ cho VĐV không phải là câu chuyện mới của thể thao nước ta nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, ngành TDTT Việt Nam cần có những lớp ngoại ngữ chuyên biệt cho các VĐV. Ngoài ra, theo HLV Đặng Anh Tuấn, việc thiếu hụt ngoại ngữ còn khiến VĐV chúng ta tự ti, không theo kịp giáo án huấn luyện, từ đó không tập trung vào chuyên môn dẫn đến thua sút đồng đội và thành tích đi xuống.
HLV đội tuyển taekwondo quốc gia Nguyễn Thanh Huy khẳng định: "Điều cần nhất của VĐV là rèn luyện, học tập không ngừng, trong đó có cả ngoại ngữ khi thể thao Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu và phát triển. Để có thể tiến bộ, VĐV phải tự biết trang bị cho mình kiến thức chuyên môn và vốn ngôn ngữ. Có như vậy mới có thể nhanh chóng tự nắm bắt cái mới và góp phần giúp thể thao nước nhà tiến lên…".
Bình luận (0)