Thể hiện phong độ cực tốt tại các giải đấu trên mặt sân đất nện, gồm cả việc vào đến trận chung kết Roland Garros 2016 thế nhưng Andy Murray lại để vuột mất danh hiệu Grand Slam thứ nhì kể từ đầu năm. Không còn Amelie Mauresmo ngồi ghế chỉ đạo trong khi chẳng thể trông chờ nhiều vào vị HLV tạm quyền Jamie Delgado, thất bại trước Novak Djokovic ở trận chung kết Grand Slam thứ hai liên tiếp là điều mà chính Murray cũng đã dự báo.
Hai ngày trước khi tham gia giải Queen's Club tại London, một sự kiện “làm nóng” cho Wimbledon, Andy Murray đã gây bất ngờ làng banh nỉ thế giới khi tuyên bố mời HLV Ivan Lendl cộng tác trở lại. Cựu danh thủ người Tiệp Khắc chính là người đưa tài năng của Murray lên tầm cao mới với 2 danh hiệu Grand Slam (Mỹ mở rộng 2012, Wimbledon 2013) cùng với tấm HCV đơn nam danh giá tại Thế vận hội London 2012.
Chỉ tiếc là sau gần 3 năm làm việc chung, cặp thầy trò lừng danh này đã “đường ai nấy đi” vào cuối tháng 3-2014. Ở thời điểm đó, Ivan Lendl phải dồn sức chăm sóc mẹ già và cả cô con gái 16 tuổi nên không thể tháp tùng học trò Murray trên mọi nẻo đường từ Âu sang Á, từ châu Đại dương vòng sang lục địa Nam Mỹ để tham dự mọi giải đấu trong năm.
Cũng với lý do gần như tương tự, Murray hồi đầu năm nay tiếp tục phải nói lời chia tay với Amelie Mauresmo sau khi cựu nữ danh thủ người Pháp sanh nở, phải dành nhiều thời gian chăm sóc con thay vì hiện diện bên cạnh Murray ở mọi sự kiện quần vợt hàng đầu.
Sắp xếp được khoảng thời gian từ 18 đến 20 tuần lễ mỗi năm cho niềm đam mê quần vợt, Ivan Lendl nhận lời cộng tác trở lại với Andy Murray kèm mức lương hàng tuần lên đến 5 con số. Trước mắt, ông sẽ làm việc với Murray đến hết giải Wimbledon. Nếu mọi thứ suôn sẻ, hợp đồng giữa đôi bên sẽ được xem xét, gia hạn. Không giới thiệu nhiều về ông thầy cũ, Lendl trong mắt Murray được tóm tắt bằng một câu đơn giản: “Ivan là người cực kỳ kiên định, biết phải làm gì để giành chiến thắng trong quần vợt”.
Bản hợp đồng được giới hâm mộ quần vợt chờ đợi này sẽ không phải mất nhiều thời gian để tái khẳng định. Ivan Lendl sẽ trực tiếp hướng dẫn Murray khi anh tham gia thi đấu từ vòng 1 giải Aegon Championships tại CLB Nữ hoàng ở London, gặp đối thủ người Pháp Nicolas Mahut ở trận đấu mở màn. Cùng tham dự với Murray ở sự kiện có tính chất làm nóng cho giải Grand Slam sẽ diễn ra ngay sau đó tại Wimbledon, còn có thêm nhiều tay vợt nam của đảo quốc sương mù như Aljaz Bedene, Kyle Edmund, Dan Evans và James Ward.
Không chỉ tìm kiếm sự ổn định về đường hướng chiến thuật cũng như đối sách thích hợp với từng đối thủ, mục tiêu cao nhất của Andy Murray trong việc tái hợp với ông thầy nổi tiếng Ivan Lendl chính là phải tìm được cách đánh bại Novak Djokovic. “Để giành được một danh hiệu Grand Slam lúc này, có lẽ không gì khác hơn phải vượt qua được Djokovic, người vừa hoàn tất bộ sưu tập 4 danh hiệu lớn mà bất kỳ tay vợt nào cũng khao khát thực hiện được. Ivan là người rất nghiêm khắc trong tập luyện và kinh nghiệm của ông sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều. Ông không khen ngợi theo kiểu vuốt ve khi tôi có được một chiến thắng, cũng chẳng thốt lên với giọng ai oán “Thật khủng khiếp” nếu chẳng may tôi thua trận. Tôi cần những điều như thế từ ông” – Murray chia sẻ.
Việc Andy Murray mời Ivan Lendl làm HLV năm 2012 đã mở ra một xu hướng mới trong làng quần vợt, đó là thuê các cựu danh thủ để học kinh nghiệm và cả tâm lý thi đấu ở các giải đấu lớn. Djokovic tìm đến Boris Becker, Kei Nishikori thọ giáo Michael Chang, Roger Federer “bái sư” cựu danh thủ Thụy Điển Stefan Edberg, Maria Sharapova từng học với Jimmy Connors, Agnieszka Radwanska có thời gian cộng tác với Martina Navratilova, Marin Cilic theo Goran Ivanisevic và mới nhất là việc Milos Raonic tuyên bố mời được thầy John McEnroe. Chỉ cần hình dung cảnh hai đối thủ một thời McEnroe và Lendl đấu trí với nhau trên khán đài trong khi học trò của họ chiến đấu dưới sân cũng quá đủ hấp dẫn!
Bình luận (0)