Trước ngày bay sang thủ đô cũ Yangon của Myanmar, từ những đoàn cán bộ từng đi tiền trạm quá trình chuẩn bị SEA Games, đã có khá nhiều thông tin dự báo về công tác tổ chức non kinh nghiệm của nước chủ nhà sẽ gây khó khăn cho việc tác nghiệp báo chí. Tuy nhiên, cũng chẳng ai trách người Myanmar bởi đây là lần đầu họ tổ chức SEA Games.
Vậy mà, các phóng viên từng dự rất nhiều kỳ SEA Games cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi vừa xuống sân bay quốc tế Yangon vì tất cả đều nhận được sự chăm sóc chu đáo đến tận răng. Không chỉ các nhóm tình nguyện viên SEA Games mà ngay cả nhân viên hải quan, lực lượng an ninh sân bay... cũng sẵn sàng xách vali, hướng dẫn đăng ký thẻ tác nghiệp cũng như gọi sẵn xe buýt, taxi cho đoàn phóng viên.
Santi, nhân viên hải quan trực tiếp đóng dấu nhập cảnh cho các phóng viên, khẳng định nếu như 5-10 năm trước, chỉ mới xưng danh, không cần biết đến từ quốc gia nào, ngay lập tức phóng viên sẽ bị làm khó từ sân bay. Những công cụ tác nghiệp báo chí như máy ảnh, máy tính xách tay cũng bị kiểm duyệt, có trường hợp còn bị tạm giữ lại, trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê mới có thể được nhập cảnh Myanmar.
Không giống các nước trong khu vực, ở Myanmar, việc sở hữu một chiếc sim ĐTDĐ là điều không dễ dàng, nhất là với du khách nước ngoài. Người Myanmar vẫn còn ít sử dụng ĐTDĐ, họ chuộng dùng điện thoại bàn. Du khách muốn có sim điện thoại để liên lạc buộc lòng phải đi thuê lại ngay tại sân bay. Ngoài ra, một số cửa hàng ĐTDĐ ở Yangon cũng có dịch vụ cho thuê sim với mức giá 200 USD, khách chỉ được thuê trong 10 ngày, nạp tiền bao nhiêu gọi bấy nhiêu.
Anh Thịnh, đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar, cho biết những chiếc sim mà cửa hàng cho thuê đều đăng ký tên tuổi người sở hữu rõ ràng. Du khách nước ngoài thuê sim thì phải đăng ký nhiều thủ tục phức tạp. Ngay cả trường hợp sim bị mất hoặc hỏng, khách thuê vẫn phải đến cửa hàng thông báo, nếu không thì khi ra sân bay sẽ gặp rắc rối an ninh.
Tiền lưu hành ở Myanmar là đồng kyat. 100 USD đổi được gần 10.000 kyat và tất cả đều là tiền giấy, khá cũ và dễ rách. Nhiều phóng viên thực sự lo ngại khi phải cầm cả cọc tiền kyat. Tuy nhiên, nhân viên an ninh sân bay cho biết ở Myanmar, không cần phải lo lắng về việc bị cướp giật hoặc móc túi. Theo Thịnh, nhiều nhân viên của anh đi taxi thường để quên túi xách, ĐTDĐ, thậm chí chỉ là cái thước đo, vào buổi sáng thì đến trưa đã có người mang đến tận công ty hoặc nhà riêng trả lại đầy đủ.
“Myanmar đang vào thời kỳ hội nhập, cũng có xuất hiện một số tiêu cực nhưng chuyện cướp giật, móc túi... hầu như tôi chưa thấy” - tài xế chở chúng tôi từ Yangon xuống thủ đô mới, trung tâm hành chính của Myanmar là Nay Pyi Taw, khẳng định với vẻ rất tự hào.
Bình luận (0)