Nếu như U23 Việt Nam đa phần là những cầu thủ trẻ có thời gian dài ăn tập và chơi bóng cùng nhau nên dễ hòa đồng thì khi Olympic Việt Nam tập trung dự ASIAD 2018, sự xuất hiện của các cầu thủ lớn tuổi khiến không ít người lo lắng tình trạng "quân anh, quân tôi" từng không ít lần trở thành nguyên nhân dẫn đến thất bại của các đội tuyển.
"Thời dẫn dắt các đội bóng ở Hàn Quốc, tôi chưa từng nghe điều này. Ở Hàn Quốc, có thể có một bộ phận nhỏ có chuyện đó. Tôi nghĩ ở Việt Nam chắc cũng như Hàn Quốc, có thể có một bộ phận nhỏ như vậy. Không thể chấp nhận cũng như tha thứ cho chuyện phe phái trong đội tuyển. Với các cầu thủ, tôi luôn nói đến khái niệm "chúng ta" để đề cao vai trò của tập thể" - HLV Park Hang-seo nhấn mạnh.
Việc nhà cầm quân người Hàn Quốc cảm thấy khá bất ngờ trước câu hỏi của báo chí cũng là dễ hiểu, bởi kể từ ngày ông đến Việt Nam làm việc, cả 2 đội tuyển mà ông gắn bó nhiều nhất là U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam đều chưa xảy ra tình trạng "quân anh, quân tôi". Ngay cả những cầu thủ trong nghề cũng cảm nhận rằng HLV Park Hang-seo đang tạo được một không khí đoàn kết nhất ở cấp độ đội tuyển, điều vốn khá hiếm hoi trong giới bóng đá Việt trước đây.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam luôn tạo thành một khối cả trong và ngoài sân cỏ. Ảnh: ANH ĐỨC
Khi HLV Park Hang-seo cho gọi 4 tuyển thủ trên 23 tuổi, trong đó lớn nhất là lão tướng Anh Đức (33 tuổi) và Văn Quyết (27 tuổi), nhiều người lo ngại chênh lệch lớn về tuổi tác giữa các cầu thủ này với lứa Công Phượng, Quang Hải hay thậm chí trẻ nhất đội là Ðoàn Văn Hậu (19 tuổi), sẽ dẫn đến sự xa cách. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo không nghĩ như vậy: "Có thể một phần do tôi không biết tiếng Việt nên thường dùng cử chỉ, hành động để cho các học trò hiểu rõ tôi đặt nhiều niềm tin vào họ. Các em có lẽ đều cảm nhận được nên biết lắng nghe các thầy trong đội. Ngoài tôi, Văn Quyết và Anh Ðức cũng giữ đúng chuẩn mực của những người anh lớn, lắng nghe và chia sẻ với các cầu thủ trẻ, không có chuyện phân biệt đối xử như những gì dư luận lo ngại. Điều đó phần nào lý giải thành tích của Olympic Việt Nam tại ASIAD 18".
Chiến lược gia người Hàn Quốc nhấn mạnh tiêu chí tuyển chọn cầu thủ lên tuyển của ông là ngoài chuyên môn thì kỹ năng giao tiếp, khả năng hòa đồng của một cầu thủ luôn được đánh giá cao. "Trong quá trình tập trung, tôi luôn quan sát kỹ xem cậu ấy có hòa đồng với đồng đội hay không? Một cầu thủ lên tuyển thì cách anh ta có hòa nhập được với tập thể hay không là điều quan trọng. Khi tôi còn làm việc thì tôi không bao giờ tha thứ cho các hành vi gây chia rẽ, phe phái trong đội tuyển" - HLV Park khẳng định.
"Triết lý bóng đá của tôi là không dựa vào một cầu thủ. Chúng ta không để một cầu thủ hay một nhóm cầu thủ dẫn dắt, chi phối cả đội. Tất cả thành viên của đội phải là một tập thể, họ phải hợp tác với nhau để hướng tới mục tiêu chung. Tôi luôn hướng đến điều đó" - nhà cầm quân người Hàn Quốc nói một cách cương quyết.
Bình luận (0)