Nằm trong nhóm môn trọng điểm, đặc biệt là các lễ hội dày đặt trong năm 2018, nhiều đội đua ghe ngo truyền thống đã tích cực tập luyện để chuẩn bị cho mùa đua mới, đặc biệt là cuộc đua đầu tiên mừng xuân Mậu Tuất diễn ra ở TP Phan Thiết - Bình Thuận vào mùng 2 Tết Mậu Tuất.
Tuy chỉ là quan sát viên ở cuộc đua Phan Thiết, nhưng ngay khi vừa hết Tết Nguyên đán, các cô gái nhà ta cũng tạm xa gia đình, chồng con để tích cực tập luyện không chỉ dưới sông mà còn ở trong phum sóc của mình. Đặc biệt đây chính là đợt tập luyện căng thẳng khi những ngày Tết Chol Chnam Thmay truyền thống của người Khmer sẽ diễn ra vào tháng 4-2018. Đây cũng được xem là những ngày hừng hực khí thế của 10 đội ghe ngo nữ của các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang.
Ghe ngo có chiều dài từ 20 - 30m. Ghe được mô phỏng theo thân hình của rắn thần Naga. Tùy theo từng loại gỗ, ghe có trọng lượng khác nhau. Mỗi chiếc ghe ngo thường đại diện cho một chùa hoặc một phum sóc.
Ngoài việc tập trên sàn, các VĐV còn rèn "thực chiến" trên ghe cũ. Để có thể đạt được kết quả tốt nhất, không chỉ khéo léo về mặt kỹ thuật, các tay chèo phải rèn thể lực liên tục, đặc biệt là cánh tay chèo sao cho khỏe, dẻo dai.
Là người cầm còi chỉ huy cho ghe ngo nữ chùa Tứk Prăy, thị trấn Long Phú (Long Phú - Sóc Trăng) từ khi đội ghe ngo chùa thành lập vào năm 2003, bà Thạch Thị Quyên bộc bạch: "Đàn ông thi đấu được thì chị em phụ nữ chúng tôi cũng tham gia thi đấu được. Phải có nam, có nữ mới tăng thêm phần sinh khí của lễ hội, tạo sự vui tươi, náo nhiệt và sôi động hơn".
Cũng theo bà Quyên, những ngày đầu tập bơi, đêm nào bà cũng mất ngủ. Đến khi chính thức bước xuống ghe, cảm giác hồi hộp và tự hào cứ đan xen vào nhau.
Phá thế độc quyền về giới
Từ ngàn xưa, ghe ngo là môn thể thao độc quyền của cánh nam giới. Quanh năm, chiếc ghe ngo được cất tại chùa, bảo quản rất cẩn thận và chỉ được đồng bào Khmer dùng để tham gia các ngày lễ quan trọng như Oóc om bóc, Chol Chnam Thmay.
Theo quan niệm của người Khmer, chiếc ghe ngo luôn là bảo vật thiêng liêng của phum sóc, nữ giới không được bước ngang hay đến gần vì gây ảnh hưởng đến vị thần phù hộ, làm "vẩn đục" đi biểu tượng linh thiêng. Do đó, phụ nữ không bao giờ dám "bén mảng" đến gần chiếc ghe ngo. Đó là điều cấm kỵ nhất đối với phụ nữ Khmer.
Để có được một cuộc chuyển biến như vậy, có thể thấy được sự đổi thay trong nhận thức và hành động của đồng bào Khmer, xem đó là một điểm nhấn quan trọng trong việc thể hiện "bình đẳng giới" trong cộng đồng đồng bào Khmer Nam bộ.
Các VĐV ở nội dung lắc thúng thi đấu vào sáng mùng 2 tết Mậu Tuất tại TP Phan Thiết
Trong khi đó, ở các vùng ven biển, các cô gái làng chài lại bỏ tất cả để ôm thúng (thuyền thúng) chờ ngày lướt sóng, khai mạc vào sáng mùng 2 Tết tại Phan Thiết. Khác với ghe ngo, đây là môn đua cá nhân và đòi hỏi sự kiên nhẫn của từng VĐV một.
Một khi "nghiệp chèo" đã ngấm vào "máu" thì mỗi lần đến mùa giải, tâm trạng của tay đua nữ cũng háo hức đợi chờ từng ngày, từng giờ chẳng kém cánh mày râu. Có nhiều gia đình, cả mấy chị em đều cùng nhau góp sức tập luyện, cùng dắt nhau đi thi đấu, vì danh dự của địa phương, của phum sóc.
Bình luận (0)