Niềm vui với tấm HCV ngoài dự kiến ở đường chạy 800 m nữ của Đinh Thị Bích, nóng mặt với trò tiểu xảo cản người của VĐV chủ nhà ở cự ly 800 m nam nhưng cũng không cản nổi Dương Văn Thái về đích bằng nước rút thần tốc ở 100 m cuối cùng, người hâm mộ dù vậy cũng khó nguôi ngoai khi nhiều danh hiệu vô địch giành được 2 năm trước cứ lần lượt rời bỏ tuyển Việt Nam.
Sau lần thất bại ở đường chạy 200 m nữ của Lê Tú Chinh, nhiều đồng đội của cô đã phải ngậm ngùi chia tay ngôi số 1 ở các nội dung tranh tài, nhảy có nhảy xa nam (Nguyễn Tiến Trọng), nhảy xa nữ (Vũ Thị Mến), ba bước nữ (Vũ Thị Mộng Mơ), chạy có 10.000 m nam (Nguyễn Văn Lai), 100 m rào nữ (Trần Yến Hoa) và mới nhất là cự ly tiếp sức 4x100 m nữ mà bộ tứ Lê Tú Chinh, Hà Thị Thu, Lê Thị Mộng Tuyền, Trần Yến Hoa vuột ngôi đầu ở đích đến.
Dương Văn Thái và cú nước rút thần tốc giành HCV cự ly 800 m namẢnh: Quang Liêm
Giả sử tất cả cùng bảo vệ được thứ hạng của mình, cơ hội để điền kinh Việt Nam khẳng định ngôi bá chủ như kỳ đại hội 2 năm trước trên đất Malaysia hoàn toàn có cơ sở để tái hiện. Dù trước mắt bị người Thái tạm vượt qua khi hơn về số lượng HCB và HCĐ, điền kinh Việt Nam vẫn còn nhiều nội dung thế mạnh sẽ ra sân trong ngày 10-12 để xoay chuyển cục diện. Đó là Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan trên đường chạy 400 m rào và tiếp sức 4x400 m nữ; là Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ, Công Lịch ở các nội dung của 400 m, Tiến Trọng ở nhảy ba bước nam hay Quốc Luật ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật nam…
Trong ngày thi đấu áp chót của môn bơi, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã không thể giành thêm tấm HCV thứ 7 khi chỉ về nhì ở nội dung 800 m nữ, thua trong gang tấc một đối thủ mới 16 tuổi của cường quốc bơi lội Singapore. Giành tổng cộng 6 HCV và 2 HCB sau 11 lần xuất trận tại đại hội lần này, Ánh Viên quả thật đã phải vượt qua biết bao áp lực về thành tích cá nhân cũng như sự kỳ vọng của người hâm mộ, như cô từng đối diện ở các kỳ SEA Games 2015 và 2017. Danh hiệu "VĐV xuất sắc nhất SEA Games" chỉ có thể an ủi phần nào cho Ánh Viên, cũng như cô đang được giảm dần trọng trách ở đội tuyển bơi khi có sự xuất hiện của các tài năng trẻ như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên…
Màn bứt tốc mạnh mẽ của các môn võ vật trong ngày thi đấu thứ 9 đã tiếp thêm sức mạnh và cả sự tự tin cho cả đoàn thể thao Việt Nam, sau khi chạm mốc chỉ tiêu thành tích 75 HCV là bứt phá trên bảng tổng sắp tạm thời mà đích ngắm không gì khác hơn việc góp mặt trong 3 hạng đầu của đại hội. Ba tấm HCV aerobic, 4 HCV vật tự do, vật cổ điển và 3 ngôi vô địch quyền Anh, kickboxing chính là những nét chấm phá thú vị khi đại hội đã tiến dần đến hồi kết.
Tâm điểm của ngày thi đấu thứ 10, ngoài trận chung kết bóng đá nam cực kỳ nóng bỏng, đoàn thể thao Việt Nam còn có thể trông chờ gặt hái thêm những tấm HCV với 9 nội dung điền kinh, 4 hạng cân Jujitsu, 7 hạng cân vật tự do - vật cổ điển, các trận chung kết kickboxing…
Bảng vàng thành tích ngày 9-12
Trần Ngọc Thúy Vi (aerobic), Phan Thế Gia Hiển - Bùi Minh Phương (aerobic, phối hợp nam nữ), Vương Hoài Ân - Nguyễn Chế Thanh - Nguyễn Việt Anh (aerobic, phối hợp 3 người), Nguyễn Thị Tâm (boxing, hạng 51 kg nữ), Nghiêm Đình Hiếu (vật cổ điển, hạng 87 kg nam), Nguyễn Bá Sơn (vật cổ điển, hạng 56 kg nam), Nguyễn Đình Huy (vật cổ điển, hạng 55 kg nam).
Trần Thị Ánh Tuyết (taekwondo, hạng dưới 53 kg nữ), Nguyễn Thị Xuân (vật tự do, hạng 50 kg nữ), Nguyễn Thị Hằng Nga (kickboxing, hạng 48 kg nữ), Phạm Bá Hợi (kickboxing, hạng 54 kg nam), Đinh Thị Bích (điền kinh, 800 m nữ), Dương Văn Thái (điền kinh, 800 m nam).
Bình luận (0)