Chín năm trước, sau khi biết bản thân mắc bệnh viêm cầu thận nặng đến độ bác sĩ phải cảnh báo "cấm tập luyện thể thao", Oanh phải ăn uống kiêng khem hàng tháng trời, đồng thời tích cực thuốc thang để điều trị việc teo cơ bắp song song với chứng phù nề cơ thể. Với nghị lực phi thường, khi sức khỏe ổn định, Oanh tập luyện trở lại vào giữa năm 2015 và tỏa sáng chỉ trong vài năm.
Giới chuyên môn và các đồng nghiệp không ít lần khen ngợi nghị lực và ý chí của cô gái chiều cao chỉ 1,50 m mà thành tích từ lâu đã vươn ra tầm quốc tế. Nếu như tấm HCĐ Á vận hội 2018 cự ly 3.000 m vượt chướng ngại, hay hai tấm HCĐ 1.500 m và 5.000 m tại Giải Vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2018 ít được nhắc đến; thì tại đấu trường khu vực, Nguyễn Thị Oanh lại là ngôi sao lớn. Ba kỳ SEA Games 29, 30 và 31 giành tổng cộng 8 tấm HCV và thống trị 3 cự ly sở trường là 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại, bảng vàng thành tích của Oanh được đánh giá khó có ai bắt kịp.
Nguyễn Thị Oanh (298) trên đường đua 1.500 m Giải Vô địch điền kinh trong nhà châu Á. (Ảnh: AIAC)
Năm 2022 như là "của riêng" Nguyễn Thị Oanh khi cô chiến thắng ở mọi đường chạy. Tháng 5, cô giành hat-trick HCV, phá một kỷ lục đại hội và được nhận danh hiệu "Vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31". Tháng 12, Oanh giành đến 4 HCV, xô đổ kỷ lục quốc gia trên đường chạy 10.000 m và trở thành một trong những VĐV giàu thành tích nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Cô tiếp tục được bình chọn "VĐV nữ của năm" tại Cúp Chiến thắng, đứng đầu cuộc bình chọn "VĐV tiêu biểu toàn quốc 2022"…
Không bó hẹp mình ở các nội dung quen thuộc, Nguyễn Thị Oanh còn thử sức ở các đường chạy bán marathon, marathon và liên tục về nhất cự ly 42,195 km ở nhiều giải đấu trong năm 2022. Cô chiến thắng đường chạy 5 km tại Giải Việt dã toàn quốc Báo Tiền Phong trong 6 mùa liên tiếp, lặn lội lên tỉnh Bình Phước, chinh phục ngôi quán quân Giải Vô địch leo núi "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá".
Mắc chứng mất ngủ một thời gian dài, trước ngày lên đường tham dự Giải Vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2023 còn vướng thêm căn bệnh viêm xoang rất nặng, có lẽ chính Oanh cũng không nghĩ mình có thể chạm tay đến vinh quang.
Thất bại ở đường chạy 3.000 m khi chỉ xếp hạng 6/8, Nguyễn Thị Oanh đã thi đấu bùng nổ và đánh bại các đối thủ mạnh của châu lục để lên ngôi vô địch nội dung 1.500 m nữ chỉ sau 2 ngày, đủ để giới chuyên môn phải thán phục. Chẳng ai nghĩ 2 VĐV Nhật Bản rất mạnh, dẫn đầu phần lớn cuộc đua lại để Oanh vượt lên ở 500 m cuối và phăng phăng về đích.
Lần đầu tiên bước lên bục chiến thắng cao nhất ở Giải Điền kinh trong nhà châu Á, Nguyễn Thị Oanh khẳng định cô là niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 sắp diễn ra vào tháng 5 tại Campuchia và Asian Games vào tháng 9 tại Trung Quốc.
Bình luận (0)