Đang hồi hộp dõi theo mọi diễn biến của vụ kiện hy hữu bậc nhất trong lịch sử, người hâm mộ trên toàn thế giới hoàn toàn thấu hiểu về nỗi thất vọng của đội tuyển bóng đá nữ Mỹ (USWNT) khi thủ quân Megan Rapinoe và đồng đội nộp đơn kiện chính LĐBĐ Mỹ (USSF) từ tháng 3-2019.
Tuyển Mỹ vô địch Wolrd Cup nữ lần thứ tư năm 2019
Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2019 khi USWNT chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch tại World Cup bóng đá nữ, khi đó sắp diễn ra tại Pháp. Megan Rapinoe và 27 thành viên đội tuyển đã nộp đơn kiện USSF với lý do tiền lương cùng với các khoản thu nhập từ tài trợ của các nữ tuyển thủ Mỹ không tương xứng so với những gì mà các đồng nghiệp ở đội tuyển nam của Mỹ nhận được. Đơn kiện của các nữ cầu thủ Mỹ kèm yêu cầu được đền bù 66 triệu đô la theo Đạo luật Trả lương công bằng và mục VII, Đạo luật Dân quyền năm 1964.
Megan Rapinoe (phải) và đồng đội không ngủ quên trên chiến thắng...
Trong lịch sử, Mỹ là một trong số ít các quốc gia mà bóng đá nữ giành nhiều thành tích quốc tế hơn, thậm chí vượt trội so với bóng đá nam. Tính từ năm 1991 đến nay, đội tuyển nữ Mỹ đã giành đến 4 danh hiệu vô địch World Cup, 4 lần đoạt HCV bóng đá tại Thế vận hội đồng thời là nhà vô địch gần như tuyệt đối tại vùng Bắc, Trung Mỹ và Caribbean với 8 lần đăng quang qua 9 giải đấu khu vực đã được tổ chức.
... khi cô cùng 27 đồng đội làm đơn kiện LĐBĐ Mỹ đòi công bằng
Đóng góp to lớn như thế nhưng quyền lợi mà đội tuyển nữ Mỹ nhận về quá ít so với các nam đồng nghiệp, từ thu nhập cá nhân cho đến các khoản tài trợ mà họ cho rằng LĐBĐ Mỹ và đội tuyển nam đã và đang "gặm nhấm" của họ. Trước trận chung kết World Cup gặp tuyển Hà Lan tháng 7-2019, các nữ tuyển thủ Mỹ đã cố tình lộn ngược áo khoác để che logo của USSF khi khởi động. Thậm chí, Rapinoe và đồng đội còn kiên quyết giữ vững lập trường không đến Nhà Trắng theo lời mời của chính Tổng thống Donald Trump, nghi thức trang trọng được dành cho các đội thể thao Mỹ khi đăng quang ở các giải lớn.
Clip Tổng thống Barack Obama mời tuyển nữ vô địch World Cup 2015 đến Nhà Trắng:
Tuyển nữ Mỹ được tôn vinh tại Nhà Trắng năm 2015
Chủ tịch LĐBĐ Mỹ Carlos Cordeiro (giữa) đã phải tuyên bố từ chức
"Cuộc chiến công lý" ngày càng thêm căng thẳng, dường như vượt khỏi tầm kiểm soát của LĐBĐ Mỹ. Đầu tháng 3, chủ tịch LĐBĐ Mỹ Carlos Cordeiro đã phải tuyên bố từ chức vì bất lực trong việc giải quyết vấn đề, đặc biệt là câu chữ mà ông này dùng trong hồ sơ vụ kiện, trong đó nêu rõ "việc góp mặt ở đội tuyển nam đòi hỏi trình độ kỹ năng cao hơn dựa trên sức mạnh và tốc độ so với thi đấu ở đội nữ", hàm ý những cầu thủ nam phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, ra sức nhiều hơn các đồng nghiệp nữ khi thi đấu cho màu cờ sắc áo quốc gia.
CĐV Mỹ giương khẩu hiệu "Equal Pay" khi đội nhà thi đấu
Phiên tòa hy hữu này dự kiến diễn ra vào ngày 15-4 nhưng phải dời lại hai tháng vì tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ. Tuy vậy, hôm 2-5, trong một phán quyết dài 32 trang, thẩm phán Gary Klausner của Tòa án liên bang Mỹ đã bác nội dung quan trọng nhất trong đơn kiện của đội tuyển bóng đá nữ Mỹ - đòi hỏi được trả lương công bằng – bằng dẫn giải "có bằng chứng cho thấy các nữ cầu thủ đã từ chối phương án được trả thu nhập khi thi đấu như đội tuyển nam cũng như chấp nhận từ bỏ các khoản thưởng lớn mà kèm theo đó là các đòi hỏi rất bất công". Phán quyết này chỉ chấp thuận các nội dung đội tuyển nữ Mỹ kiện về việc USSF phân biệt đối xử thông qua các khoản chi cho vé máy bay khi đội di chuyển, khách sạn lưu trú khi thi đấu, trợ cấp y tế cũng như phương tiện phục vụ tập luyện.
Tuyển nữ Mỹ tiếp tục cuộc chiến "bình đẳng giới"
Các cầu thủ dự kiến sẽ yêu cầu Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ thay đổi phán quyết của Klausner, một động thái có thể trì hoãn phiên tòa đến năm 2021 hoặc muộn hơn nếu cần thiết. Megan Rapinoe bức xúc viết trên Twitter cá nhân rằng "trận chiến chưa kết thúc" còn phát ngôn viên đội tuyển nữ Mỹ, Molly Levinson, cũng phản ứng mạnh mẽ về phán quyết của tòa án: "Chúng tôi thực sự sốc và thất vọng với quyết định này nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu đấu tranh đòi công bằng về lương thưởng. Chúng tôi tự tin và kiên định tìm kiếm sự đảm bảo rằng phụ nữ chơi môn thể thao này sẽ không bị đánh giá thấp bởi giới tính của họ".
Hai tuyển thủ nổi tiếng của Mỹ phản ứng với phán quyết hôm 2-5
Nếu như các nam tuyển thủ của Đức nhận đến 35 triệu USD cho chức vô địch World Cup 2014 còn tuyển Pháp "bỏ túi" 38 triệu USD sau khi đăng quang kỳ World Cup 2018 ở Nga thì tuyển nữ Mỹ chỉ được thưởng với tổng số tiền 6 triệu USD cho 2 chức vô địch World Cup 2015 và 2019.
Bình luận (0)