Chờ 17 năm
Đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có được giấy phép mở trường đua tại các địa phương trong cả nước, từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Phước, Bình Dương đến Lâm Đồng. Công ty Thiên Mã là doanh nghiệp tiên phong tổ chức các cuộc đua chó ở Bà Rịa - Vũng Tàu và đua ngựa ở TP HCM tính đến thời điểm năm 2011. Đang công tác tại Úc, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi ngày này suốt 17 năm kể từ khi Công ty Dịch vụ thể thao và Thi đấu giải trí (SES) được cấp phép tổ chức đua chó tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2000 và đua ngựa tại CLB Phú Thọ (TP HCM). Chúng tôi đã chờ đợi nhà nước cho phép hợp pháp hóa hoạt động đua ngựa, đua chó, hợp pháp hóa cá cược để ổn định hoạt động này ở Việt Nam, giảm thiểu tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội, đồng thời tạo nguồn thu rất lớn do ngăn chặn được việc chảy máu ngoại tệ từ cá cược bất hợp pháp”.
Ông Mỹ cho rằng nghị định vừa ra đời nên các nhà đầu tư sẽ cần thêm một thời gian nữa để xúc tiến công việc của mình. Suốt thời gian qua, dự án trường đua ngựa Thiên Mã của Công ty Thiên Mã tại Đạ Huoai, Lâm Đồng gần như án binh bất động sau khi Việt Nam từ chối đăng cai Á vận hội 2018. Trường đua có trên 100 ngựa đua, được nhập từ Úc với giá trung bình 20.000 USD/con và chi phí duy trì cơ sở này lên đến hơn 350 triệu đồng/tháng.
Về dự án trường đua ngựa Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng, Giám đốc Công ty CP Đại Nam, cho biết mọi thứ vẫn còn “ngổn ngang” dù trường đua đã khởi động trong những ngày đầu năm Đinh Dậu. Cùng với các cuộc đua mô tô phân khối lớn, người hâm mộ Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận đã hào hứng theo dõi các cuộc đua chó, đua ngựa hết sức hào hứng trong những ngày Tết cổ truyền, tất nhiên, không kèm bất cứ hình thức đặt cược nào do chưa được phép.
Vietlott đã có định hướng
Về khả năng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xổ số điện toán Vietlott, cho biết hiện tại, Vietlott chưa có chủ trương. Tuy nhiên, trong điều lệ công ty và giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp, Vietlott có đăng ký ngành nghề kinh doanh là xổ số và các trò chơi giải trí có thưởng khác theo quy định. Như vậy, có thể thấy rằng Vietlott đã có định hướng sẵn về khả năng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và cá cược bóng đá quốc tế. Điểm đáng lưu ý, Vietlott là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và theo quy định không được cổ phần hóa vì kinh doanh xổ số là lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Hiện nay, nhà đầu tư Malaysia là Berjaya hợp tác với Vietlott theo mô hình Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) của Luật Đầu tư, không làm thay đổi hình thức sở hữu của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (nhà nước sở hữu 100% vốn). Tức là Berjaya bỏ vốn đầu tư toàn bộ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật và phần mềm kinh doanh Xổ số điện toán để hưởng tỉ lệ phí nhất định trên doanh thu, sau đó chuyển giao công nghệ và tài sản cho phía Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng BCC.
Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó phải được tổ chức theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa và 300 tỉ đồng đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Riêng với hoạt động cá cược bóng đá quốc tế không quy định loại hình doanh nghiệp nhưng sẽ chỉ có 1 doanh nghiệp được chọn thí điểm trong 5 năm để tổng kết, đánh giá, từ đó Chính phủ sẽ đưa ra quy định có tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh nhạy cảm này hay không.
Bình luận (0)