Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn và HLV F. Goetz trong ngày ký hợp đồng. Hiện cả hai đang bị nhiều chỉ trích sau thất bại của U23 Việt Nam. Ảnh: Hải Anh
Viết bản kiểm điểm là xong?
Trong cơ cấu nhân sự của VFF, tổ chức này luôn nhấn mạnh việc định hướng theo mô hình FIFA yêu cầu. Từ Đại hội VI, TTK VFF là chức danh không thuộc ban chấp hành (BCH) liên đoàn mà do chủ tịch VFF bổ nhiệm và đương nhiên có quyền cách chức. Tuy nhiên, ai cũng biết ở VFF ông Tuấn “tổng” là nhân vật số 3, chỉ đứng sau chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng.
Ông Tuấn có chân trong BCH LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) và trong một số ban của LĐBĐ châu Á (AFC) lẫn LĐBĐ Thế giới (FIFA) nên vai trò của ông ở VFF còn là vai trò về hình ảnh và thương hiệu. Dù vậy, ông Tuấn chỉ giỏi làm đối ngoại chứ về chuyên môn, dân trong nghề cho rằng ông chưa có điểm nổi trội. Việc hoạch định đường hướng cho các đội tuyển, việc phát triển bóng đá trẻ hoàn toàn được khoán trắng cho Phòng Đội tuyển quốc gia và Đào tạo trẻ của VFF.
Sau thất bại ở SEA Games 26, ông Tuấn phải viết bản kiểm điểm theo yêu cầu của Thường trực VFF, một động thái được xem để xoa dịu dư luận. Với trách nhiệm của trưởng đoàn không hoàn thành nhiệm vụ như ông Tuấn, dư luận còn muốn VFF phải mạnh tay hơn, thậm chí là cách chức ông Tuấn. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề này ra trước hai vị phó chủ tịch VFF là ông Nguyễn Lân Trung và ông Phạm Ngọc Viễn thì cả hai đều nói: “Đây là câu hỏi mà một cá nhân không trả lời được”. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đang đi công tác tại Nhật Bản đến ngày 29-11 mới về. Tiếng nói của ông Hỷ sẽ là quyết định, tuy nhiên, việc cách chức ông Tuấn cũng rất khó bởi ông Tuấn là cấp dưới thân cận với chủ tịch VFF. Chỉ khi có đề nghị từ phía bộ chủ quản - Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch - may ra tổ chức này mới nghĩ đến chuyện cách chức một lãnh đạo trong bộ máy của mình như trường hợp của trưởng BTC giải V-League - ông Dương Nghiệp Khôi - trước đây.
Không có điều khoản trừ lương
Về định hướng, quản lý, ông Tuấn phải chịu trách nhiệm; tuy nhiên về chuyên môn yếu kém của đội U23 và màn trình diễn bạc nhược thì HLV trưởng F. Goetz lại là người đứng mũi chịu sào. Ông Goetz đã từng khẳng định ngay sau thất bại rằng: “Đây không phải là thời điểm để nói đến chuyện từ chức”. Tuy nhiên theo ý kiến của một số thành viên từ Hội đồng HLV Quốc gia, đây mới chính là thời điểm cần phải thẳng thắn nói với nhau những điều không dễ nghe nhưng tốt cho cả hai phía.
Ông Lê Thế Thọ, một thành viên trong hội đồng, nói: “Ra trận mà quân thua thảm thì phải kỷ luật, thậm chí “trảm” tướng. U23 không những thua trận mà còn để xảy ra vấn đề làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam. Tôi cho rằng đây là thời điểm mà người chịu trách nhiệm chuyên môn cần phải nói thẳng những vấn đề đang tồn tại và nhận trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho bất cứ yếu tố khách quan, chủ quan nào”.
VFF tránh mặt báo chí Sau khi U23 Việt Nam trở về từ Indonesia, hầu như không có bất kỳ lãnh đạo VFF nào xuất hiện tại trụ sở của tổ chức này. Ông Hỷ đi công tác, ông Tuấn cũng vừa dự họp mới về. Trong khi đó, các bộ phận chức năng khác của VFF dường như cũng đang nghỉ ngơi sau giải đấu mệt mỏi. Họ không xuất hiện, không trả lời phỏng vấn báo giới như là cách để họ “né bão” từ dư luận. Cuộc họp giữa HLV trưởng và TTK VFF bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần và không có thời gian cụ thể khiến báo chí luôn phải chạy theo. |
Bình luận (0)