Do thường xuyên điều hành ở những giải đấu kéo dài, thông thường trên 10 ngày, trọng tài xe đạp ngoài đam mê thì phải luôn có sự ổn định về kinh tế để có thể xin cơ quan nghỉ phép dài ngày theo đuổi cái nắng, cái gió và dầm mưa trên mọi cung đường.
Từng là Áo vàng chung cuộc Cúp Truyền hình TP HCM 1994 dưới màu áo Cảng Sài Gòn, trọng tài Nguyễn Văn Hiệp hiện là nhân viên của cảng. Những đêm nằm nhớ cái nắng bất tận của xe đạp, Văn Hiệp xin đi học lớp trọng tài và cứ lâu lâu lại vắng mặt để làm nhiệm vụ tại những giải đấu lớn. Để có mặt tại Cúp Truyền hình TP HCM - Tôn Đông Á 2018 (hiện đua đến chặng 16), ông phải xin nghỉ không lương hơn 30 ngày.
Từng nắm ghi-đông, ông Hiệp biết rõ chiêu thức, chiến thuật và những mưu mẹo lách luật của từng VĐV như thế nào. Do vậy, vị trí lưu động trên đường đua thường được phân cho vị trọng tài mang tiếng "khó chịu" và "hay la" này. Ông Hiệp bộc bạch: "Từng là đồng đội ăn chung mâm, ngủ chung chiếu với nhiều HLV nhưng tôi không vì tình riêng mà bỏ qua cho các học trò của bạn bè".
Xuất thân là tay đua từng giành Áo vàng Cúp Truyền hình TP HCM, trọng tài Nguyễn Văn Hiệp (trái) rất tinh tường trên đường đua
Đang đua xe đạp phong trào, Võ Ngọc Kim Long được cựu trọng tài Nguyễn Minh Tân, nguyên Phó Ban Trọng tài của Liên đoàn Mô tô Xe đạp Thể thao TP HCM (hiện đã định cư ở Mỹ), phát hiện và "bốc" vào lớp đào tạo trọng tài xe đạp. Qua 5 năm với hơn 40 giải đấu, Long ngoài việc "rước về dinh" 1 VĐV xe đạp nữ còn là một trọng tài không thể thiếu tại cái giải đua quan trọng vì sự xông xáo.
Cùng với Kim Long, trọng tài Nguyễn Trung Quân đến với nghiệp cầm cờ lúc đã bước qua tuổi 60, khi ông từ VĐV mô tô chuyên theo đoàn đua chuyển sang làm trọng tài vì quá yêu đường đua đầy nắng gió. Có được sự ủng hộ về kinh tế của gia đình, ông Quân tự bỏ tiền đầu tư máy ảnh, xe cộ để theo đoàn đua và làm công tác ghi nhận hiện trường. Nhờ những thiết bị ghi hình hiện đại, việc cập nhật kết quả của trọng tài xe đạp ngày càng minh bạch, rõ ràng theo từng diễn biến, chứ không chỉ phụ thuộc vào mắt và máy ghi âm như trước, mỗi khi đọc số VĐV về đích.
Dù vậy, bất cứ việc gì trên đường đua, vốn bị nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng như thời tiết, giao thông hay máy móc, bộ đàm trục trặc, lực lượng trọng tài vẫn bị than phiền nhiều nhất. Như trong chặng đua từ TP Huế về TP Đà Nẵng tại Cúp Truyền hình TP HCM năm nay, dưới cơn mưa lớn đầu mùa, trọng tài tiền phương vẽ đường dưới mưa nên sót, dẫn đến việc một số VĐV đi lạc ảnh hưởng đến thành tích, vậy là cả hội đồng trọng tài đều bị nghi ngờ thiên vị trong cuộc đua Áo vàng và đồng đội. Ngoài ra, sự phối hợp chưa tốt giữa trọng tài tuyến trên và tuyến dưới, trọng tài tiền phương rồi trọng tài theo đoàn nếu không khéo cũng sẽ đưa đến hàng loạt sự cố. Do vậy, đây cũng là lý do, hay cái "cớ" để một số lãnh đội vì thành tích không tốt bèn đổ vấy cho trọng tài.
Chưa được đối xử công bằng
Làm việc không lương mà chỉ có tiền bồi dưỡng 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày nhưng các trọng tài xe đạp lại chưa được đối xử công bằng. Một thành viên của hội đồng trọng tài xe đạp quốc gia tiết lộ rằng họ cũng chưa hề được kiểm tra thể lực trước giải như các môn khác bởi các ngành chức năng cho rằng đây là việc của cơ quan chủ quản trọng tài!
Ngoài ra, chênh lệch trình độ giữa các trọng tài về chuyên môn cũng là một thực tế bởi họ hầu hết đều xuất thân từ VĐV xe đạp hoặc đang công tác trong ngành TDTT. Để thành trọng tài xe đạp, đa số chỉ cần qua một lớp đào tạo của Liên đoàn Xe đạp mô tô thể thao Việt Nam rồi "nghề dạy nghề", chứ vẫn chưa có những lớp nâng cao từ phía Liên đoàn Xe đạp thế giới tổ chức tại Việt Nam.
Bình luận (0)