Trước thềm vòng chung kết (VCK) World Cup 2014, LĐBĐ Thế giới (FIFA) ban hành lệnh cấm mang các thiết bị khuếch đại âm thanh như kèn, còi hơi, loa phóng thanh… vào sân bóng. Đây là một trong số ít quy định được công chúng ủng hộ, mang lại điểm cộng cho FIFA về công tác tổ chức. Chẳng ai quên tại vòng chung kết diễn ra 4 năm trước đó ở Nam Phi, sự hiện diện của chiếc kèn vuvuzela tạo được một dấu ấn khó quên nhân lần đầu tiên quả bóng World Cup lăn trên lục địa đen.
Tuy nhiên, cảm giác thú vị không tồn tại được bao lâu khi âm thanh đầy ma mị của chiếc kèn vuvuzela khiến cầu thủ của nhiều đội bóng phàn nàn. Theo đó, cầu thủ luôn có cảm giác bị tra tấn bởi một bầy ong hàng triệu con vo ve quanh đầu khiến họ đinh tai, nhức óc, không thể tập trung thi đấu.
CĐV Iceland tụ tập ở trung tâm TP Reykjavik để vỗ tay theo kiểu Viking Ảnh: REUTERS
Cổ vũ bóng đá, thế là phải quay trở lại với các phương thức truyền thống, tức hò reo, ca hát bằng sức người để tuyền lửa cho cầu thủ dưới sân. Ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Bách từng rất ấn tượng với cung cách cổ vũ của CĐV ở Anh, Pháp hay Hàn Quốc - những nơi anh có dịp ghé qua hoặc trong những lần tháp tùng cùng đội tuyển Việt Nam thi đấu quốc tế. Anh kể chỉ độ 1.000 CĐV Hàn Quốc đã lấn lướt cả một lượng khán giả Việt Nam đông gấp 5-6 lần khi hai đội gặp nhau ở Á vận hội 2018. Họ cổ vũ nhịp nhàng theo hiệu lệnh điều khiển của một quản trò hoặc nhạc trưởng, từ những tiếng hò reo "ôlê, ôla, Korea" có vần có điệu đến các động tác giơ tay, lắc tay, đưa lên hạ xuống vô cùng ăn ý, kể cả những làn sóng người tạo được sự chú ý của mọi người trên sân và tất nhiên, hướng đến các tuyển thủ Olympic Hàn Quốc.
Thuật ngữ "làn sóng người" xuất hiện khoảng 3 thập niên trở lại đây, chính xác là từ World Cup Mexico 1986. Trên khán đài, CĐV chủ nhà đứng lên giơ tay hò reo và ngồi xuống nhịp nhàng, tạo hình tượng những con sóng lan tỏa giáp vòng sân bóng, truyền lửa một cách sống động mà cầu thủ thi đấu dưới sân hoàn toàn có thể cảm nhận được. Từ Mexico, "làn sóng người" nhanh chóng được nhân bản đến gần như khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, sân cỏ Thống Nhất hay Mỹ Đình rất nhiều lần được chứng kiến "làn sóng người" mỗi khi có sự hiện diện của đội tuyển quốc gia.
Gần đây, tạo được sự chú ý hơn cả chính là màn trình diễn gây sốt của các cầu thủ Iceland với màn vỗ tay "kiểu Viking" (Viking clap). Đoàn quân xứ Băng đảo bắt đầu thực hiện kiểu ăn mừng này ở trận đấu với Áo tại VCK Euro 2016 và tái hiện sau thất bại trước tuyển Pháp ở tứ kết. Ở quê nhà, hàng ngàn CĐV Iceland đã tụ tập tại trung tâm TP Reykjavik để vỗ tay theo kiểu Viking - ban đầu với nhịp điệu tương đối chậm, sau đó nhanh dần kèm theo những tiếng hô "huh" vang vọng cực lớn mà những ai mê tiểu thuyết kiếm hiệp đã ví với chiêu thức "Sư tử hống" làm khiếp đảm mọi đối thủ.
Ngay lập tức, hiệu ứng "Viking clap" đã lan truyền mạnh mẽ. Tuyển Pháp cũng vỗ tay theo kiểu Viking sau khi vượt qua Đức ở Euro 2016. Tuyển Xứ Wales sau giải đấu này cũng đã cùng hơn 200.000 người hâm mộ quê nhà thực hiện màn ăn mừng như thế. Chỉ tiếc là Iceland không đi sâu ở World Cup 2018, nếu không, hàng triệu khán giả trên toàn thế giới sẽ lại được chứng kiến màn đồng diễn "Viking clap" có một không hai…
Bình luận (0)