Hai cú đẩy tạ nhắm đến tấm HCV bất thành khiến Thạch Kim Tuấn một lần nữa lỡ hẹn với đấu trường lớn châu lục. Điều đáng nói là sau 4 năm, đối thủ của Tuấn vẫn là... nhà vô địch Om Yun-chol cho dù lực sĩ người CHDCND Triều Tiên không tham dự bất cứ giải đấu quốc tế nào kể từ sau Olympic 2016.
Nhỉnh hơn đối thủ ở động tác cử giật chỉ vỏn vẹn 1 kg, Thạch Kim Tuấn khi bước vào động tác cử đẩy đã kém lại Om đến 7 kg! Cố gắng nâng mức tạ lên thêm 8 và 9 kg để hy vọng qua mặt được đối thủ nhưng Tuấn lại lấy đà vai không thành công.
Với thành tích tổng cử 280 kg, Thạch Kim Tuấn một lần nữa phải chấp nhận thất bại trước nhà vô địch Olympic 2016 Om Yun-chol, người đạt thành tích 287 kg. Theo HLV Huỳnh Hữu Chí, lực sĩ người Triều Tiên thực sự đẳng cấp nên giành chiến thắng là hoàn toàn xứng đáng. Ông cũng cho biết Kim Tuấn hết cơ hội phục thù Om Yun-chol bởi Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) không còn tổ chức hạng cân 56 kg ở các giải chính thức nữa.
Thạch Kim Tuấn vẫn chưa thể đổi màu HCB thành HCV Ảnh: Ngọc Linh
Dẫu sao thành tích của Thạch Kim Tuấn cũng mang về HCB đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD năm nay. Tấm huy chương thứ nhì giành được trong ngày thuộc về công của kình ngư 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng.
Đường bơi 800 m tự do nam ở đợt thi chung kết chiều 20-8 có sự góp mặt của Sun Yang, kình ngư người Trung Quốc giành đến 3 HCV ở 2 kỳ Olympic 2012 và 2016. Không hề bị ngợp trước các đối thủ lớn, Huy Hoàng thi đấu đầy tự tin và chung cuộc chỉ xếp sau chính Sun Yang và kình ngư lừng danh người Nhật Bản Takeda Shogo, đem về HCĐ hết sức bất ngờ. Thành tích 7 phút 54 giây 32 còn giúp Huy Hoàng phá luôn kỷ lục quốc gia do chính chàng trai này thiết lập cách đây 1 tháng.
Trong khi đó, chỉ là một trận đấu vòng bảng nhưng chiến thắng của tuyển bóng chuyền nam trước Trung Quốc được giới chuyên môn xem như "cơn địa chấn". Trước đối thủ được xếp hạng 20 thế giới và là ứng viên nặng ký của ngôi vô địch đại hội lần này, tuyển Việt Nam vượt lên dẫn trước 2-0 và thắng chung cuộc 3-2 ở một cuộc rượt đuổi tỉ số vô cùng hấp dẫn. Chiến tích này chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều khi tuyển Việt Nam vừa thi đấu không thành công ở Giải Vô địch châu Á 2018 trong khi bóng chuyền nam Trung Quốc đã 3 lần vô địch châu Á đồng thời giành đến 3 HCV tại đấu trường ASIAD!
Đây là động lực quan trọng giúp thầy trò HLV Phùng Công Hưng hướng đến cuộc đua ở bảng E (cùng Trung Quốc, Thái Lan và Sri Lanka) để giành vé vào vòng đấu tranh các thứ hạng từ 1-12 ở ASIAD 2018.
Ánh Viên xuất trận
Ở ngày thi đấu thứ ba (21-8), mọi ánh nhìn của người hâm mộ sẽ dõi theo hành trình của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên khi cô tranh tài ở cự ly sở trường 400 m hỗn hợp nữ. Đồng đội trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn, người cùng trở về từ Mỹ với Ánh Viên, cũng được hy vọng sẽ làm nên chuyện ở cự ly 400 m tự do nam bên cạnh Nguyễn Huy Hoàng.
Hoàng Xuân Vinh ở xạ trường 10 m súng ngắn hơi nam liệu có tái hiện chiến công lừng lẫy như ở kỳ Olympic cách đây 2 năm? Cử tạ với Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 62 kg nam hay Dương Thúy Vi, Phạm Quốc Khánh ở các nội dung chung kết môn wushu có tạo được kỳ tích, ít nhất cũng giúp "cô gái vàng" Dương Thúy Vi bảo vệ được ngôi vô địch giành được 2 năm trước?
Bình luận (0)