Ông Cấn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính & vận động tài trợ của LĐBĐ Việt Nam (VFF), vừa nộp đơn xin từ chức sáng 25-6 và được VFF chấp nhận.
Động thái đột ngột này của ông Nghĩa khiến dư luận có phần bất ngờ, vì cách đây ít ngày ông vẫn tuyên bố hùng hồn "nếu không lo được tiền lương cho HLV Park Hang-seo", ông sẽ từ chức.
Tuy nhiên với tình trạng của ông Nghĩa đang bị thanh tra về quá trình điều hành, quản lý ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình trước đây, cùng với áp lực từ dư luận, lựa chọn này xem ra là kết quả tất yếu.
Khi ông Cấn Văn Nghĩa đắc cử chức vụ Phó Chủ tịch tài chính & vận động tài trợ VFF khóa VIII, dư luận cả nước được phen "dậy sóng". Bởi người ta không biết bằng cách nào mà ông Nghĩa có thể khiến những doanh nhân "máu mặt" như ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực), ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam), ông Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam) thành "bại tướng"!?
Ông Cấn Văn Nghĩa sau đó tiếp tục bị dư luận nhắc đến vì thời ông còn làm Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình để lại quá nhiều điều tiếng. Bởi Kiểm toán Nhà nước từng kết luận giai đoạn 2012-2017, ông này điều hành quản lý, Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình xảy ra nhiều sai phạm, nhất là số tiền nợ thuế 300 tỉ đồng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Trong khi đó, theo Quyết định số 288/QĐ-TTCP ngày 23-4-2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP thì TTCP đã và đang tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. Thời gian thanh tra giai đoạn 2009-2018 cũng rơi vào khoảng thời gian ông Cấn Văn Nghĩa đương chức. Theo Quyết định này, thời hạn thanh tra sẽ kéo dài 50 ngày, đến nay hiện là giai đoạn "nước rút" của quá trình thanh tra. Vì vậy, việc chủ động rời ghế Phó chủ tịch tài chính & vận động tài trợ VFF của ông Nghĩa được dự đoán không phải do áp lực trong việc kiếm tiền trả lương cho HLV tuyển quốc gia Park Hang-seo mà có thể do ông đang "đau đầu" với hàng loạt "hậu quả" trong quá khứ ở đơn vị cũ.
Nhiều khu đất được cho thuê mặt bằng kinh doanh thuộc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được giải tỏa . Ảnh chụp vào tháng 2-2019.
Rõ ràng, với những rắc rối đang gặp phải, có lẽ ông Cấn Văn Nghĩa cũng phải chấp nhận "buông bỏ" một trong những vị trí quan trọng ở VFF. Tuy nhiên, ngay cả việc đánh giá lợi ích và trách nhiệm của chiếc "ghế nóng" tài chính tài trợ VFF cũng phải xuất phát từ tâm thế và cách tiếp cận công việc của từng người. Trong trường hợp của ông Cấn Văn Nghĩa, ngay từ đầu đã không có nhiều thiện cảm với truyền thông và phần đông dư luận có hơi hướng nhìn ông tiêu cực.
Nhưng thật khó để người ta thừa nhận tư cách của ông Nghĩa vì không ai tin với một người từng được giao "vốn tài nguyên" quốc gia như Khu LHTTQG Mỹ Đình nhưng hiệu quả mang lại khá kém cỏi thì làm sao có thể thành công ở cương vị "thổi nồi cơm" cho VFF?
VFF khóa VIII từng cam kết sẽ mang về ít nhất 120 tỉ đồng cho năm tài khóa 2019 nhưng chưa hết 6 tháng đầu năm, có lẽ nhờ hiệu ứng thành tích từ các đội tuyển U23, tuyển Olimpic, tuyển quốc gia nên kết quả thu về vượt kế hoạch. Dù vậy đó không phải là thành quả của ông Nghĩa mà nhờ nỗ lực chung của VFF.
Thông tin chính thức cho biết ông Cấn Văn Nghĩa từ chức vì lý do sức khỏe và chỉ muốn tập trung vào công việc ở Hiệp hội Thể thao dưới nước để chống đuối nước cho trẻ em mùa hè. Tuy nhiên nhìn vào tình trạng của ông Nghĩa hiện nay chưa chắc ông đủ sức "chống đuối" cho bản thân mình chứ nói gì đến chống đuối nước cho trẻ em?
Nói chung, có nhiều lý do để ông Cấn Văn Nghĩa rời khỏi vị trí Phó chủ tịch tài chính & vận động tài trợ VFF cũng như ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VIII. Nhưng dù thế nào, việc nói lời từ chức ngay thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" này cũng ít nhiều giữ lại cho ông chút thể diện.
Sau khi về hưu và sang làm việc ở Tổ chức xã hội - nghề nghiệp như VFF, ông Nghĩa không bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ Công chức năm 2008, bởi VFF không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ ngân sách. Nhưng trường hợp của ông Nghĩa cũng là bài học đáng tham khảo cho những cán bộ - công chức đang ăn lương từ tiền thuế của nhân dân. Nếu không đủ năng lực làm việc và cảm thấy "chiếc áo quan" đang khoác quá rộng thì từ chức hoặc chủ động rút lui sẽ còn nhận được sự tôn trọng từ nhiều phía. Hơn hết đó cũng là cách "ngăn chặn từ xa" những hậu quả nếu có trong quá trình điều hành, quản lý do kém năng lực mà ra, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước. Đó là chưa kể việc "xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm..." có quy định cụ thể tại Điều 30, Mục 4, Luật Cán bộ Công chức năm 2008 hẳn hoi.
Hãy nhìn sang nước láng giềng Campuchia, mới đây sau vụ sập nhà cao tầng ở tỉnh Preah Sihanouk, ông thống đốc tỉnhg và một vài quan chức có liên quan đã tuyên bố từ chức ngay lập tức. Đó là hành động và thái độ của người có lòng tự trọng với sự cố trước mắt. Còn việc họ bị xử lý hay phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật, cứ để các cơ quan chức năng và tòa án lo.
Xét khía cạnh này, ông Cấn Văn Nghĩa cũng vớt vát được chút thể diện cho mình còn hơn những quan chức làm không được việc mà cứ ngồi lì trên ghế quan chờ ngày xộ khám!
Bình luận (0)