Olympic Tokyo còn chưa chính thức khép lại nhưng với lực lượng thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam, nỗi khao khát được đến với đấu trường quốc tế so tài cùng bạn bè khắp nơi ngày thêm cháy bỏng. Ngày 24-8, Paralympic Tokyo mới khai mạc nhưng có thể nói đến thời điểm này, TTNKT Việt Nam đã hoàn tất chu trình chuẩn bị, chỉ còn chờ ngày lên đường.
Kỷ lục gia châu Á Võ Thanh Tùng (bìa phải) và đội tuyển bơi thể thao người khuyết tật Việt Nam Ảnh: NGỌC RIO
Đại dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động thể thao đỉnh cao bị đình trệ nhưng liệu có mấy ai biết thành viên của 3 đội tuyển TTNKT bơi, điền kinh và cử tạ Việt Nam đã phải "tập chay" tại 2 trung tâm huấn luyện thể thao TP HCM và Đà Nẵng suốt từ sau Tết nguyên đán 2020 đến nay? Tiếng là 3 đội tuyển nhưng mỗi đội chỉ vỏn vẹn vài thành viên và thầy trò lặng lẽ tập luyện cùng nhau suốt nhiều tháng qua.
Không chỉ vậy, cũng do tình hình dịch bệnh mà các đội tuyển TTNKT Việt Nam không thể tham gia những giải đấu quốc tế mang tính kiểm tra chuyên môn suốt 18 tháng qua. Đây chính là lý do khiến các tuyển thủ TTNKT Việt Nam mất tiêu chuẩn tham dự Paralympic Tokyo 2020 bằng suất vé chính thức.
Theo HLV trưởng đội điền kinh Đặng Văn Phúc, đội của ông có 4 thành viên đều đạt được từ 1-2 chuẩn A mỗi người nhưng tới nay, chỉ còn VĐV ném lao Cao Ngọc Hùng và VĐV ném đĩa Nguyễn Thị Hải được tham dự Paralympic Tokyo bằng thư mời đích danh. Hai lực sĩ Nguyễn Bình An và Đặng Thị Linh Phương bị mất hết chuẩn, phải ở nhà và đội cử tạ hiện chỉ còn Lê Văn Công cùng Châu Hoàng Tuyết Loan nhận suất đặc cách đến Tokyo. Tương tự, đội tuyển bơi gồm đến 8 thành viên giờ chỉ còn Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như và Đỗ Thanh Hải được quyền đại diện thi đấu.
Khó khăn chồng chất, từ điều kiện tập luyện, cọ xát cho đến trang thiết bị phục vụ thi đấu đều thiếu thốn nhưng toàn bộ 7 tuyển thủ TTNKT vẫn rất tự tin, nỗ lực duy trì phong độ để sẵn sàng lên đường. Không chỉ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19, các VĐV cũng có mặt 24/24 giờ tại 2 trung tâm thể thao theo nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập", khi tập luyện luôn bảo đảm khoảng cách và đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng. Theo VĐV Võ Thanh Tùng của đội tuyển bơi, có rất nhiều thời điểm, các kình ngư tại Đà Nẵng không thể tập luyện... dưới nước vì rất dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, mà thay vào đó, chỉ có thể duy trì tập thể lực với tạ, dây kháng lực trên bờ.
Một trong những niềm hy vọng lớn nhất của TTNKT Việt Nam là lực sĩ cử tạ Lê Văn Công, người giành HCV, đồng thời phá kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic hạng 49 kg tại Paralympic Rio 2016. Nhiều tháng qua, anh đã tích cực chữa trị chấn thương vai trái và duy trì chế độ tập nhẹ thường xuyên. Theo HLV Nguyễn Hồng Phúc, tình trạng của lực sĩ 37 tuổi quê Hà Tĩnh là rất khả quan, hoàn toàn có thể ra sân thi đấu để bảo vệ danh hiệu giành được 5 năm trước trên đất Brazil. Đồng đội của anh, nữ lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan, cũng đặt chỉ tiêu cho riêng mình phải đổi được màu tấm HCĐ tại Rio 2016.
Bình luận (0)