Chiều nay, 13-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự buổi đối thoại về "Phát triển bóng đá Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh nội dung buổi đối thoại sẽ góp phần vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Ngay sau lời phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo buổi đối thoại và trực tiếp nêu các câu hỏi đến các vị lãnh đạo, có trách nhiệm trực tiếp giải đáp các thắc mắc xung quanh việc phát triển bóng đá Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt thẳng vấn đề: "Khán giả tới sân mua vé mới có tiền, có kinh phí. Có nhiều nguyên nhân khán giả không đến nhưng có một nguyên nhân là bóng đá không sạch, không khách quan, không trung thực. Các đồng chí có đồng ý không? Nếu đồng ý thì có quyết tâm làm nó sạch không? Nhân dân rất chờ đợi và muốn đồng chí thẳng thắn trả lời câu hỏi này. Tôi đề nghị ai là người có trách nhiệm cao nhất ở đây thì trả lời câu hỏi này".
Giải đáp câu hỏi của Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói: "Phó Thủ tướng nhận xét một trong những nguyên nhân chính khán giả không đến vì bóng đá chưa sạch là đúng. Chúng tôi kiên quyết vì đó là nền tảng cho bóng đá phát triển".
Cùng giải trình, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thừa nhận một trong những nguyên nhân chưa thu hút khán giả là bóng đá chưa sạch.
"Chúng tôi kiên quyết chấn chỉnh và làm bóng đá sạch hơn"- ông Thắng cam kết.
Không thể nói khác, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải thẳng thắn đáp: "Nhìn nhận của Phó Thủ tướng là hoàn toàn đúng. Thời gian qua, bóng đá Việt Nam có đánh mất niềm tin trong không ít cổ động viên. Chúng tôi nhận thức rõ điều này và kiên quyết chỉ đạo, đề ra các giải pháp và xử lý vấn đề này. Ngành TDTT sẽ cố gắng làm tốt nhất các giải pháp được đề ra trong thời gian tới đây".
Trưởng Ban tổ chức V.League Nguyễn Minh Ngọc cũng đưa ra hứa hẹn kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực, thưởng điểm, cho điểm trong các mùa giải tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt ra băn khoăn từ xã hội về "công tác chuyên môn trong bóng đá chưa được quan tâm bằng vấn đề xã hội hoá. Có đúng hay không?" .
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn phân trần VFF quan tâm đặc biệt đến vấn đề chuyên môn vì đây là việc liên quan tới chuyên môn của các đội tuyển quốc gia.
Trong khi đó, cựu tuyển thủ Thể Công, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải thẳng thắn đánh giá: "VFF thiếu chất bóng đá, phải bổ sung".
Nguyên bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự đánh giá: "Bộ máy đang có lỗi hệ thống, không đáp ứng được nhu cầu phát triển".
Ông Dự chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóng đá hiện nay và phân tích thứ nhất là việc xã hội hóa bóng đá đã mang lại kết quả khá tốt song cũng bộc lộ vấn đề. Đó là thực tế dường như hoạt động bóng đá đang tuột dần khỏi quản lý Nhà nước, tuột dần khỏi địa phương, không còn gắn kết với các đội bóng, địa phương. "Đây có phải mặt trái của xã hộ hóa mà VFF và ngành không nhận ra?"- ông Dự chất vấn.
Nguyên nhân thứ hai là lỗi hệ thống quan trọng. Theo đó, việc tổ chức các giải bóng đá quốc gia đặc biệt là các giải đỉnh cao là trách nhiệm VFF. VFF là người quyết định thành lập ban tổ chức giải và một phó chủ tịch VFF trực tiếp chỉ đạo. Hiện việc tổ chức giải được giao cho VPF.
"Tổ chức như vậy phải chăng đã tuột quyền quản lý Nhà nước khỏi tay của VFF không? Tất nhiên thực tế có không buông hết, vẫn còn ban trọng tài, ban kỷ luật ở đó nhưng không thể tồn tại cách đó được. Đây có phải là mô hình sai so với hệ thống. Tại sao lại chuyển quyền ấy sang một doanh nghiệp?"- ông Dự truy vấn.
Ông Dự góp ý, doanh nghiệp chỉ có thể có quyền tổ chức sự kiện, không thể là đơn vị chịu trách nhiệm chính. "Chính vì vậy đã có đơn kiện lãnh đạo VFF liên quan đến hành vi nhận hối lộ, ý kiến về việc đổi xe biển trắng thành xe biển xanh sai quy định pháp luật. VFF về giải thích những việc này thế nào?" - ông Dự dẫn ví dụ.
Giải thích lo lắng của cựu lãnh đạo ngành TDTT, đại diện VFF giải trình các đơn tố cáo không có cơ sở. Cụ thể ông Lê Hùng Dũng không có hành vi này (bị tố cáo nhận hối lộ).
Về xe biển xanh, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp và có vai trò đại diện cho nền bóng đá quốc gia. Vì vậy, năm 2010, có đợt đổi xe, xuất phát từ nhu cầu đối ngoại, VFF có công văn xin đề nghị đổi tất cả xe của VFF sang biển xanh. Các cơ quan chức năng đã xem xét và đồng ý. Các xe này được điều phối cho các hoạt động của VFF, không sử dụng cho bất kỳ cá nhân nào và được mua bằng kinh phí của VFF.
Một câu hỏi về thực trạng bóng đá Việt Nam gây lấn cấn không ít cho các câu lạc bộ cũng như người hâm mộ là trên thế giới một người sở hữu hoặc tham gia sở hữu nhiều đội bóng nhưng có quy định/luật chơi rõ ràng (ví dụ Thái Lan có ông chủ Bia Chang sở hữu 05 CLB) và tại Việt Nam dư luận đều cho rằng cũng có một người sở hữu, đồng sở hữu nhiều đội bóng. Thực trạng này có dẫn đến việc "vỗ vai chia điểm" hay không?
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết đã có phản ảnh là một ông chủ sở hữu hoặc tài trợ cho nhiều đội bóng.
"Chúng tôi nhận thấy là có hiện tượng này. Khi có chuyện này, thanh tra bộ đã thanh tra. Trên thực tế, xin nói thẳng là trường hợp của chỗ ông Đỗ Quang Hiển, khi thanh tra, các CLB này ông Hiển đều không sở hữu gì cả. Nhưng các công ty thì có tài trợ cho các đội bóng này. Nhiều năm qua, tổng cục và VFF đã theo dõi và giám sát rất chặt các trận đấu của những đội bóng này thì không thấy có hiện tượng gì. Có những thời điểm 2 đội đá hòa, thì một đội sẽ vô địch nhưng vẫn có thắng thua"- ông Thắng bảo vệ.
Tuy nhiên, theo ông Thắng cũng thừa nhận "dư luận và báo chí có đưa về việc này và ngành sẽ thường xuyên kiểm tra".
Cùng giải trình, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh phân trần: "Về mặt pháp lý, các CLB này không thuộc sở hữu của 1 người. Song trên thực tế có dư luận này. Chúng tôi sẽ họp để đảm bảo tính công bằng của giải".
Cùng mối quan tâm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Tôi đọc báo thì nôm na thấy rằng có hiện tượng là ta quy định không cẩn thận. Luôn có một hay hai đội gọi là "rổ điểm". Các đội ấy chắc chắn xuống hạng và là rổ điểm chia mọi người. "Vỗ vai chia điểm" là ở đó".
Phó Thủ tướng cho rằng để ngăn việc này thì phải tạo ra giải đấu cạnh tranh quyết liệt hơn. "Ngồi đây có nhiều nhà báo, anh em rất trông đợi chúng ta thẳng thắn giải trình và đổi mới. Giải hạng nhất ít đội hơn giải chuyên nghiệp + suất xuống hạng ít nên vì thế, có tình trang giải vô địch chuyên nghiệp không sạch. Có điều đó không?"- Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh thừa nhận giải 2016, đội Đồng Nai tiêu cực nên ban tổ chức giải phải họp với các đội.
"Các đội đề nghị là không có đội xuống hạng. Khi ấy chúng tôi phải đấu tranh có nửa suất xuống hạng thì giải mới có ý nghĩa. Các đội bóng đã đồng ý. Biết là một đội xuống hạng dễ tiêu cực, chúng tôi mong ban chấp hành xem xét, quy định lại số đội xuống hạng"- tổng thư ký VFF giải thích.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng yêu cầu: "V.League không quyết liệt, đội nào xuống hạng đã rõ nên họ buông. Đề nghị làm lại cho giải đấu quyết liệt hơn".
Bình luận (0)