Hàng loạt vấn đề cấp thiết còn bỏ ngỏ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải đích thân chỉ đạo việc thu thập ý kiến từ các chuyên gia và người hâm mộ, chuẩn bị tốt cho cuộc đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 13-1 tại Hà Nội.
Cuộc đối thoại này, hiểu theo nghĩa tích cực, chính là "Hội nghị Diên Hồng" mà tất cả những ai yêu mến bóng đá Việt đều mong đợi từ rất lâu. Nhiều bộ, ngành và cơ quan hữu quan đã nhận được câu hỏi chất vấn do Văn phòng Chính phủ gửi đến và yêu cầu đại diện lãnh đạo các cơ quan này đứng ra giải đáp.
Chỉ riêng chi tiết này đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hoạt động của bóng đá Việt Nam và tổ chức xã hội hóa chịu trách nhiệm quản lý là LĐBĐ Việt Nam (VFF), khác biệt hẳn với phần đọc báo cáo sơ kết cũng như tham luận tại hội nghị sơ kết kể trên mà hầu hết nội dung phản ánh đều không ai có trách nhiệm tiếp thu, xử lý.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn (trái) và các chuyên gia từng bàn thảo nhiều tồn tại của bóng đá Việt tại hội thảo “Tương lai bóng đá Việt” do Báo Người Lao Động tổ chức cuối tháng 11-2017 Ảnh: Quang Liêm
Không khác mấy so với những nội dung được phản ánh tại hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức vào cuối tháng 11-2017, những câu hỏi được Văn phòng Chính phủ chuyển đi xoay quanh các vấn đề lớn, như chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam sau gần 5 năm thực hiện kết quả còn rất mờ nhạt, có cần điều chỉnh mục tiêu hoặc cần ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nào; các tiêu chí cần có cho chức danh chủ tịch ở thời điểm VFF chuẩn bị tiến hành đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới; việc biệt phái cán bộ Tổng cục TDTT tham gia VFF dài hạn liệu có phù hợp với quy định của FIFA và liệu sắp tới Tổng cục TDTT có tiếp tục việc biệt phái này; giải đấu quan trọng nhất V-League đầy rẫy tiêu cực mà VFF thiếu kiên quyết chấn chỉnh, làm sạch môi trường bóng đá, công tác trọng tài, khen thưởng và kỷ luật còn rất nhiều bất cập, gây bất bình trong dư luận các đội bóng; việc nhiều đội bóng cùng một chủ sở hữu tham gia cùng một giải đấu có tạo ra tiêu cực nhường, cho điểm; công tác đào tạo cầu thủ trẻ có theo kịp mô hình, phương pháp của quốc tế, vai trò của bóng đá học đường, tương lai bóng đá phong trào; quan điểm của Tổng cục TDTT và VFF về phát triển bóng đá trẻ và mục tiêu gần SEA Games, mục tiêu xa Asian Cup, World Cup; quy chuẩn cho các đội bóng chuyên nghiệp…
Hơn 2/3 tổng số câu hỏi đều được trao trách nhiệm giải đáp cho VFF, nơi đã không thể hiện đúng mức vai trò quản lý, giám sát, đôn đốc thực hiện những điều cần làm đối với bóng đá Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ qua.
Bình luận (0)