Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng - BTC giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2019 - công bố danh sách tốp 5 đề cử ở hạng mục nam, người hâm mộ cảm thấy "sốc nhẹ" khi tiền đạo trẻ Nguyễn Tiến Linh đã không có tên, trong khi tiền đạo Nguyễn Văn Quyết của Hà Nội FC lại góp mặt.
Vì sao Văn Quyết lọt vào tốp 5, trong khi Tiến Linh lại vắng mặt? Đó là câu hỏi mà BTC giải cũng khó trả lời bởi những lá phiếu không phải do họ quyết định mà được bầu chọn bởi giới truyền thông cũng như những người làm chuyên môn. Vấn đề là việc phân bổ lá phiếu này như thế nào, những ai được quyền bỏ phiếu chọn, chắc chắn sẽ khiến người hâm mộ không phục nếu như được công khai. Đơn giản vì xét về mọi phương diện, Tiến Linh rất xứng đáng góp mặt trong tốp 5, thậm chí phải trong tốp 3.
Tiến Linh có nhiều đóng góp cho đội tuyển quốc gia lẫn U22, U23Ảnh: Đức Anh
Năm 2019, Tiến Linh đã thay thế lão tướng Anh Đức trở thành tiền đạo chủ lực của B.Bình Dương. Chân sút sinh năm 1997 đã 7 lần lập công ở V-League, chiếm gần 1/5 số bàn thắng của B.Bình Dương ở mùa giải vừa qua. Quan trọng hơn, Tiến Linh trở thành sự lựa chọn số 1 trên hàng công U22, U23 Việt Nam tại SEA Games 2019 cũng như VCK U23 châu Á 2020. Chân sút người Hải Dương đã ghi 6 bàn thắng ở SEA Games để giúp U22 Việt Nam giành tấm HCV lịch sử, sau đó cũng ghi bàn thắng duy nhất cho U23 Việt Nam ở đấu trường châu lục ở VCK U23 châu Á.
Dù xét về số bàn thắng, Tiến Linh có thể thua đàn anh Văn Quyết ở Hà Nội FC nhưng một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam chính là đóng góp ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Văn Quyết không thể so sánh với Tiến Linh khi anh không còn nằm trong mục đích sử dụng của HLV Park Hang-seo kể từ sau khi tuyển Việt Nam lên ngôi ở AFF Suzuki Cup 2018. Trong khi đó, Tiến Linh đã góp mặt ở 3/5 trận đấu của tuyển quốc gia ở bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, ghi được 2 bàn thắng, trong đó có "siêu phẩm" sút xa giúp đội bóng của HLV Park Hang-seo đánh bại UAE 1-0 trên sân nhà Mỹ Đình hồi tháng 11 vừa qua.
Còn nhớ trong những cuộc họp chuyên môn của giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam 2019, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về án phạt nguội của Ban Kỷ luật VFF do hành vi chơi xấu của Văn Quyết đối với cầu thủ Đình Đồng ở vòng 24 V-League có nên xem là tiêu chí để không đưa tiền đạo này vào danh sách bầu chọn hay không? Yếu tố bạo lực sân cỏ, hành vi phản cảm cũng là một trong những tiêu chí có thể khiến nhiều cầu thủ bị gạch tên trong cuộc đua Quả bóng Vàng Việt Nam, mà đơn cử như hành động trêu chọc đối thủ của đội trưởng CLB Futsal Đà Nẵng Vũ Quốc Hưng đã khiến anh không được đề cử trong năm 2019, dù trước đó anh là Quả bóng Vàng Futsal 2018. Vậy mà Văn Quyết vẫn vượt qua được một loạt tiêu chí trên để có tên trong tốp đề cử cuối cùng. Liệu rằng như vậy có công bằng cho Tiến Linh hay bất kỳ một cầu thủ nào khác?
Với Nguyễn Trọng Hoàng, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng hay Nguyễn Quang Hải, họ đều xứng đáng góp mặt trong danh sách cuối cùng bởi những cống hiến cho bóng đá nước nhà. Đáng tiếc là những lá phiếu từ giới chuyên môn, từ giới truyền thông lại dường như đi ngược với tiêu chí đề ra, để rồi Tiến Linh phải chịu những thiệt thòi không đáng có.
Thầy Park, thầy Chung cùng được vinh danh
Hai HLV Park Hang-seo và Mai Đức Chung đều được Ban Tổ chức Quả bóng Vàng Việt Nam tri ân nhờ mang lại nhiều thành công cho bóng đá trong năm 2019.
Thành tích nổi bật nhất trong năm 2019 mà HLV Park cùng các học trò giành được là tấm huy chương vàng SEA Games 30. Bên cạnh đó, việc ông đưa tuyển Việt Nam vào đến tứ kết Asian Cup cũng rất đáng ghi nhận. Tương tự, HLV Mai Đức Chung giúp tuyển nữ Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games cũng như giành chức vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2019 lần thứ 3 trên đất Thái Lan.
Bình luận (0)