Tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam đạt thứ hạng 385 ATP, một kỷ lục mới trong sự nghiệp chuyên nghiệp. Tuyển nam Việt Nam xuất sắc giành quyền thăng hạng Nhóm II – Khu vực châu Á Thái Bình Dương sau khi thi đấu thành công tại Davis Cup 2018…, quần vợt Việt Nam đang từng bước đi lên theo hướng chuyên nghiệp hoá, và dần trở thành một trong những môn thể thao có sức hấp dẫn.
Tháng 4-2018, HLV Trương Quốc Bảo cùng các học trò Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn, Lê Quốc Khánh đã làm nên kỳ tích với việc đưa Việt Nam quay trở lại với Nhóm II – Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với thực lực như hiện tại, cộng thêm việc tận dụng nguồn lực từ những tay vợt Việt kiều, một trong các mục tiêu của quần vợt Việt Nam trong năm tới là giữ vững vị trí, phấn đấu năm 2020 sẽ giành quyền lên nhóm I. Bên cạnh đó, VTF cũng tính tới mục tiêu giành Huy chương ở cả nội dung nam và nữ tại SEA Games 30 sẽ diễn ra vào tháng 11-2019 tại Philippines.
Bên cạnh đó, việc thay đổi HLV mới đã giúp cho Hoàng Nam giành được thành tích tốt, cú đúp ngôi á quân ở 2 giải quần vợt quốc tế Vietnam Men’s Futures F4 và F5 (Giải 25.000 USD) tổ chức tại quê nhà Tây Ninh. Những thành tích ấy giúp tay vợt 21 tuổi leo lên hạng 385 ATP.
Bộ máy điều hành của VTF cũng có sự thay đổi quan trọng. Ông Đoàn Thanh Tùng - Ủy viên BCH, Phó Tổng Thư ký VTF được bầu làm Tổng thư ký VTF, Tổng thư ký Đoàn Quốc Cường được Ban chấp hành tin tưởng giao đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Chuyên môn ở cuộc họp Ban chấp hành lần thứ 6 Khoá VI (Nhiệm kỳ 2016-2021).
Nhiều diễn đàn quần vợt đã được thành lập quy tụ đến hàng trăm, hàng ngàn các VĐV đủ các lứa tuổi, với nhiều trình độ khác nhau tham dự đã tạo nên một hình ảnh phong phú và đa dạng đối với quần vợt phong trào trong năm 2018, và thống nhất về việc lập ra một bảng điểm chung cho tất cả các diễn đàn nhằm xác định đúng hơn về trình độ các VĐV tham gia phân nhóm thi đấu tại các giải vô địch phong trào cấp quốc gia. VTF cũng sẽ đưa 3 giải quần vợt phong trào (VTF Amateur Tour) vào hệ thống thi đấu, dự kiến vào các tháng 5, 8 và 11.
"Chúng tôi quan niệm rằng quần vợt phong trào chính là nền móng quan trọng cho việc phát triển quần vợt tại một quốc gia. Vì vậy, việc tập hợp sức mạnh của các diễn đàn quần vợt lại thành một khối mạnh mẽ là điều vô cùng cần thiết. Thử thách phải đối mặt là làm sao vừa tôn trọng hoạt động của từng diễn đàn vừa kết hợp các diễn đàn lại được. Chúng tôi đã lên kế hoạch trong vòng 3 năm sẽ hoàn thành và đang quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện cho bằng được. Sau khi bảng điểm tạm thời được hình thành, chúng tôi sẽ nhóm họp đại diện các diễn đàn quần vợt trên cả nước thêm một lần nữa để đưa đến quyết định cuối cùng nhằm tổ chức giải vô địch phong trào mang tầm quốc gia", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch VTF chia sẻ.
Hệ thống tổ chức thi đấu cũng có nhiều thay đổi trong nằm 2019 với 4 giải quần vợt chuyên nghiệp có tổng tiền thưởng lên tới 500 triệu đồng/ mỗi giải (VTF Master 500). Giải đấu đầu tiên sẽ được tổ chức tại Tây Ninh vào đầu tháng 3. Cùng với đó là 4 giải quần vợt tiềm năng chuyên nghiệp với tiền thưởng 200 triệu đồng trên mỗi giải (VTF Pro Tour 200), 1 giải Vô địch đồng đội trẻ và đồng đội quốc gia, 1 giải Vô địch quốc gia. Hệ thống giải dành cho lứa tuổi trẻ vẫn giữ nguyên với 4 giải VTF Junior Tour.
Ngoài ra, các hệ thống giải quốc tế cũng được phát huy và đẩy mạnh, bao gồm 4 giải quốc tế lớn: Vòng sơ loại Junior Davis Cup/ Junior Fed Cup (diễn ra từ ngày 4 đến 9-3) tại Srilanka, Davis Cup nhóm 2 (bốc thăm ngày 6-2, thi đấu tháng 4), ITF U18 Junior Circuit TP HCM nhóm 4 (từ ngày 6 đến 13-7, tại TP HCM) và ITF U18 Junior Circuit – Hải Đăng Cup 2019 nhóm 5 (từ ngày 14 đến 21-7 tại Tây Ninh).
Bình luận (0)