Những chiếc thùng thiện nguyện được đặt bên đường pitch không thể thiếu trong các trận bóng phong trào.
Dịch bệnh và bão lũ đã gieo khó khăn cho nhiều nơi trong nước, đặc biệt là miền Trung. Lập tức, nhiều chương trình từ thiện hướng về miền đất này đã diễn ra, nổi bật là các hoạt động gây quỹ cứu trợ bên lề các giải thể thao phong trào, thu hút sự tham gia của công chúng với hàng chục tỉ đồng quyên góp.
Đối đầu trong sân, bằng hữu ngoài sân
Một hình ảnh gây xúc động vừa diễn ra vào dịp cuối năm: 16.000 khán giả ngồi kín khán đài sân vận động Thống Nhất trong trận đấu kêu gọi ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung. Người xem muốn tận mắt chứng kiến nhiều ngôi sao sân cỏ chơi bóng cùng nhiều tên tuổi thành danh trong nghệ thuật. Nhưng trên tất cả là tấm lòng hướng về đồng bào ngoài kia đang vật lộn với hiểm họa, bất trắc để gửi đến bà con sự chia sẻ ấm nồng.
Cùng nhiều bộ môn khác, bóng đá góp nhiều hoạt động từ thiện kịp thời cho xã hội. Nếu với các giải đấu chuyên nghiệp, thực lực tài chính và hiệu ứng từ uy tín các ngôi sao là thế mạnh thì với sân chơi phong trào, tình cảm chân chất và sự góp tay trực tiếp, tận tình của người chơi bóng không chuyên trở thành nét quý. Tự bao giờ những giải đấu hướng về người nghèo, các cuộc tranh tài kêu gọi sẻ chia, quyên góp hướng về người hoạn nạn trở thành đặc trưng ở sân chơi "sới phủi", nhận được sự đồng lòng của công chúng.
Bóng đá phong trào tại TP HCM không chỉ giúp thỏa mãn đam mê, rèn luyện thân thể mà còn là dịp người chơi thuộc nhiều giới, nhiều thế hệ quây quần bên nhau chia sẻ niềm vui. "Đối đầu trong sân, bằng hữu ngoài sân, chung niềm đam mê", phương châm này chuyển tải ý nghĩa, giá trị của sân chơi phong trào.
"Đối đầu trong sân, bằng hữu ngoài sân, chung niềm đam mê"
Người chơi bóng thấy lòng vui vì biết mình vẫn còn lăn lộn trên sân cỏ dù sức rướn hay tốc độ không còn như thời trai trẻ. Họ hào hứng đối đầu với các ngôi sao một thời và chạnh lòng trước cảnh nghèo khó của một danh thủ đã qua thời vàng son, giờ phải lận đận mưu sinh. Chính ở sân bóng này, tình người thêm nồng ấm chan hòa, những san sẻ sớt chia trở nên sinh động, chân tình.
Để rồi, sau các pha tranh bóng, khi còi tan cuộc vang lên, kẻ ít người nhiều, họ rủ nhau đến an ủi một thành viên nghèo túng. Quà mọn nhưng tình đầy, nhiều gia đình thấy mình không cô đơn để thấm thía giá trị từ tài năng, công sức của người thân trên sân cỏ ngày nào. Không phải sàn đấu chuyên nghiệp, chính sân bóng phong trào với sự chân chất thô mộc và sự gần gũi thân tình mới đi vào ngõ ngách từng tâm hồn, số phận.
Quà mọn nhưng tình đầy, nhiều gia đình thấy mình không cô đơn để thấm thía giá trị từ tài năng, công sức của người thân trên sân cỏ ngày nào
Người chơi bóng thấy lòng vui vì biết mình vẫn còn lăn lộn trên sân cỏ
Bên lề tiệc chung kết giải bóng đá các đội mạnh vô địch TP HCM năm 2020, tranh Cúp Thiên Long lần thứ 6, khán giả xúc động chứng kiến nhiều cựu danh thủ- trong đó có người phải ngồi xe lăn- hào hứng bước vào sân Thống Nhất, sân bóng từng lưu giữ thời trai trẻ sôi động của từng người trong hành trình cống hiến tâm sức cho nền thể thao nước nhà.
Họ cảm động không chỉ vì nhận được tặng vật quyên góp từ lòng tốt của công chúng - những món quà quý giá giúp họ san sẻ một phần khó khăn về đời sống vật chất - mà còn vì từng người cảm nhận niềm hạnh phúc rằng khán giả vẫn chưa quên dù thảm cỏ xanh kia từ lâu vắng bóng mình.
Chung niềm đam mê để sẻ chia
Hơn nửa thập niên đóng góp cho phong trào bóng đá TP HCM cũng là khoảng thời gian Ban tổ chức giải đấu Thiên Long đồng hành với những hoạt động xã hội thiết thực. Nhiều hoạt động thể thao phong trào khác như Giải Bóng đá vô địch sân 7 Sài Gòn Premier (SPL), Giải vô địch sân 5 các hội đồng hương miền Trung… cũng hướng đến tính thiện nguyện thông qua sân chơi phong trào.
Hành động ý nghĩa và thiết thực của Giám đốc Công ty Thể thao Thiên Long- ông Phạm Văn Trung (phải)
Giám đốc Công ty Thể thao Thiên Long - ông Phạm Văn Trung - bày tỏ ý nguyện đồng hành và gắn kết cộng đồng qua hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá, góp phần tạo dựng sân chơi lành mạnh, hào hứng. Ông tin rằng hoạt động từ thiện giàu tính nhân văn đi kèm các giải đấu sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành với sự đồng lòng "một cho tất cả".
Chơi bóng để tận hưởng và sẻ chia! Bóng đá phong trào từ lâu đã vượt qua ranh giới nhỏ hẹp của chiến công, thành tích để hướng đến cái đích gần gũi ấm áp tình người.
Cùng với giải đấu Thiên Long, FC81+ và Chân Tình 308 là hai trong số các đội bóng phong trào tại TP HCM tha thiết với hoạt động từ thiện, thông qua các trận đấu bóng đá. Thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhưng khi mặc chung màu áo, tất cả đều sẵn sàng và nhiệt huyết với công tác xã hội từ thiện.
Sau vụ sạt lở vì mưa lũ ở Trà Leng (Quảng Nam) gây tang thương cho nhiều gia đình, các thành viên FC81+ tức tốc lên đường vừa tác nghiệp vừa tham gia cứu trợ. Gần 200 triệu đồng quyên góp kịp thời được chuyển đến gia đình các nạn nhân, an ủi phần nào nỗi đau mất mát của bà con.
Các thành viên FC81+ tức tốc lên đường tham gia cứu trợ
"Tận mắt chứng kiến cảnh mất mát tang thương ở vùng quê này, chúng tôi hiểu các đóng góp của mình còn nhỏ bé. Làm sao để ngày càng bớt đi những hoàn cảnh thương tâm trở thành tiếng gọi thúc giục trong nhiều người " – phóng viên Trần Hải, đội trưởng FC81+, tâm sự.
Cùng nhiều tập thể khác, anh Hải và các thành viên khác trong đội quyết duy trì và lan tỏa công tác từ thiện ở sân bóng phong trào.
Chơi bóng bằng tất cả đam mê và lòng hòa ái, sân bóng ấy ngày càng thân thiện gần gũi với người xem. Không đề cao thành quả nhưng sẵn sàng hướng đến cái đẹp, người chơi sẽ ngày thêm đông và quả bóng trên cỏ xanh còn lăn mãi về hướng tình người...
Bình luận (0)