Khám phá sân Thành Long trong lúc chờ chủ mới là CLB bóng đá Sài Gòn thay da đổi thịt để sử dụng trong năm 2021
Chiều 19-2, CLB TP HCM đã có buổi tập trên sân Thành Long. Sự chú ý dồn vào ngôi sao Lee Nguyễn, người buộc phải tập phục hồi bên ngoài ở buổi tập này vì gặp chấn thương nhẹ ở buổi tập trước đó trên sân Quân khu 7. Theo các bác sĩ, Lee Nguyễn chưa quen với mặt sân tập, dẫn đến gặp chấn thương ở cổ chân.
Trở lại với câu chuyện về cụm sân Thành Long, nơi từng in dấu ấn khá dài trong lịch sử bóng đá Việt Nam trước đây. Được thành lập năm 2001 bởi ông Quách Thành Lai, hay còn gọi là bầu Hưng, cụm sân Thành Long bao gồm 5 sân được xây dựng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP HCM) với quy mô diện tích 9ha, trị giá hơn 150 tỉ đồng.Đó là số tiền khủng ở thời điểm đó, nhưng quan trọng hơn, việc bầu Hưng bỏ tiền túi ra để thỏa mãn tình yêu bóng đá vô điều kiện, khiến cho những người làm bóng đá Việt Nam cảm thấy nể phục.
Có thể nói, giới bóng đá Việt Nam không ai không biết bầu Hưng, bởi năm 2001 khi ông xây dựng sân Thành Long cũng là thời điểm bóng đá Việt Nam chào đón những ông bầu giàu cá tính như ông Đoàn Nguyên Đức của HAGL, hay ông Võ Quốc Thắng của Gạch Đồng Tâm Long An. Dù cách làm của ông bầu Quách Thành Lai khác biệt với 2 ông bầu kia nhưng họ đều được người hâm mộ cả nước và đặc biệt là giới cầu thủ thời đó nhớ như in.
Các đội bóng khắp trong Nam ngoài Bắc, từ miền Trung cho đến khu vực Tây Nguyên, đều đã đặt chân đến Thành Long để tập luyện, thi đấu. Các đội tuyển ở nhiều giai đoạn luôn chọn Thành Long là nơi đóng quân. Dấu giày của rất nhiều thế hệ tuyển thủ đã in đậm ở chỗ bầu Hưng, một người luôn tâm niệm kinh doanh các dịch vụ giải trí tại Thành Long để nuôi chính nhân viên đang sống và làm việc nơi đây, cũng như hỗ trợ tối đa cho bóng đá thành phố qua nhiều thời khắc thăng trầm.
Ở thời điểm bầu Hưng qua đời năm 2018, hưởng thọ 68 tuổi, sân Thành Long thuộc quyền quản lý của một doanh nghiệp. Mãi đến cuối năm 2020, CLB bóng đá Sài Gòn xác nhận việc tiếp quản cụm sân này cũng như các hạng mục công trình phụ phục vụ cho bóng đá. Từ đó, người yêu bóng đá lại mơ về việc sân Thành Long sẽ tái sinh, sớm thay da đổi thịt và lại là 1 điểm đến không chỉ của người hâm mộ CLB bóng đá Sài Gòn mà còn là các cấp độ đội tuyển và xa hơn nữa là các CLB ở V-League, Hạng nhất.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã có hai lần đến ghi nhận hiện trạng các công trình ở cụm sân Thành Long và có thể thấy đang dần có những thay đổi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Dưới đây là loạt ảnh ghi nhận những nét thay đổi và những công trình còn cần phải trùng tu nhiều:
Một góc của sân Thành Long, nơi giao của sân chính (bên trái) và sân phụ số 1 (phải), cùng các công trình gồm khu Nhà hàng và hồ bơi. Tất cả đều đang trong quá trình tu sửa
Dãy hành lang của khu vực tòa nhà ở sân chính của cụm sân Thành Long. Nơi đây từng là địa điểm nghỉ ngơi của nhiều thế hệ đội tuyển, sau này có thời gian được Quân đội sử dụng
Hệ thống phòng ốc, tủ giường vẫn còn rất tốt, chỉ cần sơn sửa là có thể sớm đưa vào sử dụng
Trong khi đó, hạng mục lớn của sân chính là khán đài và mái che đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Rất nhiều mảng tôn đã bị gió thổi rơi, loang lổ và cần sớm được tháo dỡ để xây mới
Ở khán đài B của sân chính Thành Long, toàn bộ mái tôn đã được tháo gỡ
Con đường chính vào sân Thành Long đã được tu sửa, nhìn khang trang và sạch sẽ. Tương tự, dãy phòng ở và phòng sinh hoạt, phòng cộng đồng bên trái cũng đã được sơn sửa rất mới và có thể sớm được sử dụng
Ngôi sao Lee Nguyễn và thủ môn Bùi Tiến Dũng lái xe riêng khi đến sân Thành Long tập luyện. Lý do vì đường đi từ trung tâm đến sân đã nhanh chóng, dễ dàng hơn trước rất nhiều
Bình luận (0)