Từ quyết định của UBND TP Hà Nội chuyển giao sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội quản lý, bảo dưỡng và khai thác hiệu quả sân, dư luận quan tâm rằng liệu một sân bóng có truyền thống lâu đời khác của Việt Nam là SVĐ Thống Nhất đã đến lúc cần bàn giao cho một đội bóng của TP HCM hay chưa?
Thống Nhất khác Hàng Đẫy
Để giải đáp cho câu hỏi này không khó vì từ sau thời mở cửa, việc quản lý SVĐ Thống Nhất đã có nhiều thay đổi với những bước tiến rõ rệt. “Trước năm 2000, SVĐ Thống Nhất từng được Sở TDTT khi đó giao cho LĐBĐ TP HCM (HFF) quản lý để chăm lo cho phong trào bóng đá TP chứ không riêng gì cho CLB. Lúc đó, HFF đã làm tốt nhiệm vụ quản lý nhưng nhận thấy làm bóng đá ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự gánh vác từ cấp nhà nước, sau này Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM tiếp tục tiếp quản và duy trì, phát triển theo hướng SVĐ Thống Nhất tự hạch toán thu chi, khi cần cải tạo hoặc sửa chữa quy mô thì mới xin ngân sách. Cách làm này đã thu được hiệu quả lớn” - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, ông Mai Bá Hùng, chia sẻ.
Có thể dễ dàng nhận thấy giữa SVĐ Hàng Đẫy và Thống Nhất có ít điểm chung. Hiện tại, TP HCM có 2 đội V-League, khác với Hà Nội. Sự giống nhau duy nhất là hai sân bóng đều nằm trong khu vực trung tâm TP, đều có tính truyền thống.
“Khác biệt ở đây là CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T) đã theo đuổi bóng đá 10 năm nay và khẳng định được thương hiệu. Với truyền thống tốt như vậy nên khi thẩm định, nhà nước có thể yên tâm giao SVĐ Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội quản lý. Với TP HCM lại có nhiều đặc điểm riêng. Thứ nhất, đội TP HCM mới vừa lên V-League; thứ hai là chúng ta còn gánh vác thêm CLB Sài Gòn, họ chọn SVĐ Thống Nhất để làm sân nhà. Trách nhiệm chính quyền, trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước phải hỗ trợ cho 2 CLB, đặc biệt là CLB Sài Gòn làm ăn sinh sống, phát triển tại đây, còn CLB TP HCM là “con đẻ” ra nên càng phải chăm lo. Việc cả hai CLB đều chọn SVĐ Thống Nhất làm sân nhà, trong thời gian gần biến sân thành “của riêng” của một doanh nghiệp là không thể” - một đại diện của ngành thể thao phân tích.
Tự lo 10 tỉ đồng/năm
Theo phân tích của những người có trách nhiệm, với việc CLB Bóng đá Sài Gòn “chuyển hộ khẩu” về SVĐ Thống Nhất năm 2016, tiếp đến là CLB TP HCM giành quyền lên hạng V-League, mong muốn sân lúc nào cũng sáng đèn của lãnh đạo TP HCM đã thành hiện thực. “Khác biệt lớn của SVĐ Thống Nhất với nhiều sân bóng đá khác trên cả nước là nơi đây cũng là địa điểm tập luyện và thi đấu của môn điền kinh. Hiện nay, ở TP HCM có 4 sân điền kinh, trong đó chỉ có SVĐ Thống Nhất là đúng chuẩn, 3 sân còn lại là sân Quận 8, sân Quân khu 7 và sân ĐH TDTT chủ yếu là tập luyện vì đã xuống cấp. Phong trào điền kinh đang dựa vào SVĐ Thống Nhất. Như vậy, công tác tổ chức thi đấu cho 2 đội bóng ở V-League rồi đến tổ chức tập luyện, đăng cai các giải điền kinh trong nước, quốc tế, SVĐ Thống Nhất chắc chắn sẽ tổ chức nhiều hơn SVĐ Hàng Đẫy” - ông Mai Bá Hùng cho biết thêm.
Trong khi đó, theo một đại diện trong Ban Chủ nhiệm SVĐ Thống Nhất, sân này đã tự lo được nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động thường xuyên, nhà nước chỉ lo kinh phí ở khâu đào tạo, về hoạt động bóng đá. Còn về hoạt động sân bãi, trả lương nhân viên, quản lý điều hành, SVĐ Thống Nhất hoàn toàn tự chủ. Nhà nước chỉ còn giúp đỡ khi cần sửa chữa lớn, đầu tư lớn. Đó là đặc điểm khác với sân Hàng Đẫy. Mỗi năm sân Thống Nhất tự lo trên 10 tỉ đồng để trả lương nhân viên, cải tạo sân bãi. Sắp tới, dự án thay dàn đèn cao áp hoặc gắn thêm ghế khán đài, cần nguồn ngân sách lớn nên ban chủ nhiệm sân xin ngân sách và đã được duyệt.
Khó giao cho 1 doanh nghiệp độc lập
“Hiện nay, SVĐ Thống Nhất đang là đơn vị sự nghiệp loại 1, tự trang trải, tự chủ hạch toán thu chi. Mong muốn của lãnh đạo TP là sân được các doanh nghiệp đầu tư vào, để phát triển hơn, đẹp hơn trong mắt khán giả, chứ chưa nói ý là giao cho ai. Lý do vì Công ty Bóng đá TP HCM mới ra đời, cần thời gian để ổn định và khẳng định sức mạnh. Hiện tại, CLB vẫn chỉ tập trung cho đội lớn, chưa có tuyến trẻ. Nhiệm vụ chăm lo cho 4 tuyến trẻ theo yêu cầu của LĐBĐ Việt Nam là không phải chỉ của riêng SVĐ Thống Nhất mà cả sân Hoa Lư rồi các quận, huyện cũng phải chăm lo, đào tạo cầu thủ để bổ sung lực lượng cho đội bóng này dự V-League” - một đại diện bóng đá TP HCM nói.
Ngoài bóng đá nam, SVĐ Thống Nhất còn phải tổ chức thi đấu bóng đá nữ. Đại diện ngành thể thao TP HCM nhận xét: “Hạn chế lớn nhất là TP HCM chưa có một trung tâm huấn luyện riêng biệt như ở Hà Nội (Nhổn, sân đào tạo trẻ LĐBĐ Việt Nam, sân Mỹ Đình…), vì vậy việc quản lý điều hành phải giao cho các sân như Thống Nhất là bóng đá và điền kinh, Yết Kiêu quản lý bơi, Hoa Lư thì có môn bóng bàn, aerobic, Phú Thọ lo bóng chuyền, bóng rổ… Với sự chồng chéo như vậy, rất khó để bàn giao cho một doanh nghiệp độc lập để họ toàn quyền khai thác như ở sân Hàng Đẫy”.
Bình luận (0)