Không tính đến tấm HCV marathon nam của Hoàng Nguyên Thanh, cùng cú đúp ngôi vô địch 2 cự ly đi bộ 20 km nam, nữ của Võ Xuân Vĩnh và Nguyễn Thị Thanh Phúc trong ngày thi đấu cuối cùng, điền kinh Việt Nam đã bỏ xa đại kình địch Thái Lan từ rất sớm, đồng thời cầm chắc ngôi nhất toàn đoàn môn thể thao "nữ hoàng" kỳ SEA Games thứ ba liên tiếp.
Trong bối cảnh Thái Lan ráo riết nhập tịch dàn sao ngoại hòng thay đổi cục diện còn Philippines, Malaysia và Indonesia hạ quyết tâm trở lại hết sức mạnh mẽ, điền kinh Việt Nam vẫn khẳng định được sức mạnh ngôi đầu Đông Nam Á khi giành gần 50% số bộ HCV bao gồm 22 lần bước lên bục chiến thắng ở tổng số 47 nội dung tranh tài.
Hai ngày ra sân ba lần ở các cự ly gian khổ như 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh đều giành HCV, không chỉ trở thành là nhân vật số 1 của điền kinh Việt Nam mà còn xứng đáng được nhận danh hiệu "Nữ thể thao gia xuất sắc nhất SEA Games 31".
Bên cạnh cô tuyển thủ cao chưa đến 1,50 m đến từ Bắc Giang, các đồng đội của cô cũng có màn trình diễn truyền cảm hứng đến hàng triệu khán giả Việt Nam lẫn các quốc gia trong khu vực.
Bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền rực sáng với cú đúp 400 m và tiếp sức 4x400 m nữ; "lão tướng" Nguyễn Văn Lai thống trị các cự ly trung bình 5.000 và 10.000 m nam; chân chạy cá tính Khuất Phương Anh bảo vệ thành công tấm HCV 800 m nữ đồng thời còn bổ sung vào bộ sưu tập thành tích tấm HCV tiếp sức 4x400 m nữ và tấm HCB cự ly 1.500 m nữ…
Lê Tiến Long (812) - người thế vai xuất sắc cự ly 3.000 m nam vượt chướng ngại vật. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Cùng với sự trở lại của Nguyễn Tiến Trọng ở hố nhảy xa nam hay Phạm Thị Diễm ở nội dung nhảy cao nữ, SEA Games 31 chứng kiến màn thế vai xuất sắc của các "kép phụ". Không ai nghĩ gương mặt mới toanh Bùi Thị Nguyên lại có thể qua mặt đàn chị Huỳnh Thị Mỹ Tiên và các đối thủ sừng sỏ trong khu vực để về nhất cự ly 100 m rào nữ; chàng trai 21 tuổi gần như vô danh trên đấu trường khu vực Lương Đức Phước bỗng tỏa sáng trên đường chạy 1.500 m nam, xô đổ mọi dự đoán chiến thắng nghiêng về đồng đội Trần Văn Đảng…
Câu chuyện tương tự được thấy trên hố nhảy xa nữ khi Vũ Thị Ngọc Hà vượt qua cả nhà vô địch ASIAN Games 2018 Bùi Thị Thu Thảo để giành HCV, Lê Tiến Long cán đích trước cả đương kim vô địch Đỗ Quốc Luật ở cự ly 3.000 m nam vượt chướng ngại vật.
Ngoài kỳ tích bảo vệ được HCV đồng thời phá sâu kỷ lục ở đường chạy 3.000 m nữ vượt chướng ngại vật của Nguyễn Thị Oanh, không thể không nhắc đến "tân binh" Nguyễn Linh Na ngay lần đầu tham dự SEA Games đã giành HCV nội dung gian khổ 7 môn phối hợp. Sau 17 năm, điền kinh nữ Việt Nam mới lại giành vàng nội dung này kể từ khi "bông hồng thép" Nguyễn Thị Thu Cúc đoạt HCV tại SEA Games 23 năm 2005. Hay câu chuyện của Lò Thị Hoàng, cô gái quê Sơn La đã phá thế thống trị của người Thái ở nội dung ném lao nữ suốt 11 năm qua, giành HCV đồng thời phá luôn kỷ lục đại hội.
Để vuột hầu hết HCV ở các cự ly chạy tốc độ khi thiếu vắng "nữ hoàng" Lê Tú Chinh trong khi Thái Lan kịp trình làng "thần đồng" 16 tuổi Puripol Boonson lấy cả 2 ngôi vô địch 100 m và 200 m nam, đây chính là điều điền kinh Việt Nam "thấm thía" nhất do công tác đào tạo không theo kịp yêu cầu của thực tế.
Dẫu vậy, với việc giành tổng cộng 22 HCV, 14 HCB và 7 HCĐ, điền kinh Việt Nam vẫn vững vàng ở ngôi nhất toàn đoàn 3 kỳ SEA Games liên tiếp.
Bình luận (0)