5 VĐV Việt Nam và 1 VĐV Thái Lan trong những ngày qua đã điều trần trực tuyến về lý do sử dụng chất cấm khi thi đấu tại SEA Games 31, trước Hội đồng Thể thao Đông Nam Á với các thành viên đến từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Philippines. Dự kiến đến tháng 2 hoặc tháng 3-2023, hội đồng này sẽ có kết luận chính thức, kết hợp với thời điểm Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) công bố danh sách các VĐV vi phạm. Dù bất cứ lý do gì, các VĐV Việt Nam vi phạm sẽ bị hủy thành tích tại SEA Games 31, thu hồi huy chương và bị cấm thi đấu 3 - 5 năm.
Thể hình Việt Nam lỗi hẹn với SEA Games 32. (Ảnh: NGÔ TRẦN)
Cũng liên quan vấn đề doping, SEAGF đã thống nhất loại thể hình khỏi chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 32 do tình trạng doping ở môn này xuất hiện quá nhiều. Mới nhất, nhiều VĐV của Campuchia đã có kết quả dương tính với chất cấm tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 trong khi nước này chính là chủ nhà của SEA Games 32.
Thể hình là môn thể thao được xây dựng từ lâu và Việt Nam được ghi nhận là một trong những cường quốc về môn này ở tầm khu vực cũng như châu lục. Tại SEA Games 31, thể hình Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 5/10 bộ HCV và đã lên danh sách đội tuyển chuẩn bị cho các cuộc tranh tài tại SEA Games 32 trước khi đón nhận tin không vui kể trên.
Như vậy, danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 32 mà Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã phê duyệt trước đây hiện chỉ còn 43 môn và khoảng 600 nội dung đua tranh huy chương. Thể thao Việt Nam mất thêm một môn thế mạnh, sau khi Campuchia gạt bỏ các môn thi trong hệ thống Olympic như vật, bắn súng, thể dục dụng cụ, canoeing, rowing, bắn cung hay nhóm môn đang phát triển mạnh như cờ vua, kurash, futsal...
Bình luận (0)