Thông tin này được Klaus Stoehlker, một phát ngôn viên của vị chủ tịch đang phải chịu án kỷ luật từ chính FIFA công bố hôm 28-10. Tuy nhiên, ông Klaus Stoehlker cũng “nói lại cho rõ”, rằng tất cả chỉ là dự định của Blatter trao quyền tổ chức các sự kiện kể trên cho hai cường quốc chính trị Mỹ, Nga và đương nhiên là tất cả phải trải qua cuộc bỏ phiếu của các thành viên Ban chấp hành FIFA theo quy định.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Nga TASS, Sepp Blatter ám chỉ Michel Platini giữ một vai trò trong chiến dịch bôi nhọ danh dự bản thân ông. Blatter mô tả cuộc bỏ phiếu hai kỳ World Cup kể trên, được tổ chức năm 2010, như là chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng triền miên, không có dấu hiệu chấm dứt trong nội bộ FIFA.
Vụ xì-căng-đan tệ hại nhất trong lịch sử FIFA khởi đầu từ việc 14 quan chức và doanh nghiệp tiếp thị thể thao liên quan đến FIFA bị bắt giữ tại Thụy Sĩ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ vì các tội danh hối lộ, rửa tiền và phạm tội có hệ thống, liên quan đến số tiền nhiều triệu USD.
Blatter và Platini hiện cùng nhận án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 90 ngày từ Tiểu ban Đạo đức FIFA để phục vụ điều tra khoản tiền 1,35 triệu bảng mà Blatter trả cho Platini hồi năm 2011 với danh nghĩa “tiền công trả cho việc tư vấn các hoạt động bóng đá toàn cầu”.
Blatter kể với TASS: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình World Cup và không thống nhất được ý kiến. Ban đầu, chúng tôi cho rằng nên trao cho Nga quyền đăng cai World Cup 2018 và sau đó đến lượt Mỹ là chủ nhà của World Cup 2022. Có lẽ bữa cơm trưa giữa Michel Platini, tổng thống Pháp khi đó Nicolas Sarkozy và các quan chức cấp cao Qatar đã dẫn đến việc Platini thay đổi ý kiến của mình. Ở cuộc bỏ phiếu kín của Ban chấp hành FIFA, 4 phiếu từ các đại diện châu Âu đã không chọn Mỹ. Nếu không, giờ đây chúng ta đã rất nhẹ nhàng bàn việc tổ chức kỳ World Cup 2018 tại Nga sao cho đạt kết quả tốt nhất”.
FIFA ủng hộ Qatar tổ chức World Cup 2022, kể cả đăng cai vào mùa Đông
Cũng trong buổi trả lời phỏng vấn của TASS, Blatter ví bản thân ông như “quả bóng trong một trò chơi quyền lực chính trị lớn” và khẳng định nước Nga vẫn sẽ tổ chức World Cup 2018 bất chấp những lời kêu gọi trái chiều từ Anh. “Ban đầu, vụ xì-căng-đan 14 quan chức và doanh nghiệp tiếp thị thể thao bị bắt giữ ở Zurich đơn thuần là từ hiềm khích cá nhân, cụ thể là Platini muốn tấn công tôi. Tuy nhiên, vụ việc sau đó trở thành một trò chơi chính trị, ở đó, vai trò chính không còn thuộc về Platini mà là của các quốc gia bị mất quyền tổ chức World Cup” – Blatter khẳng định.
* Ở vòng bỏ phiếu sau cùng của Ban chấp hành FIFA, Qatar đã vượt qua ứng viên nặng ký Mỹ với số phiếu áp đảo 14/8 để được nhận quyền đăng cai World Cup 2022. Không chỉ nhật báo Sports Mail (Anh) vạch trần sự việc, quyển sách The Ugly Game (Trò chơi xấu xa) do hai nhà báo Heidi Blake và Jonathan Calvert cất công điều tra cũng cho thấy, Qatar đã chi tổng cộng 17,2 tỉ bảng Anh, trực tiếp lẫn gián tiếp, cho các cá nhân có thẩm quyền trong việc quyết định này. Khoản chi phí này chỉ là một phần rất nhỏ trong ngân sách 132 tỉ bảng mà Qatar dự định dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đăng cai World Cup.
Pháp nhận nhiều nhất, khoảng 14,72 tỉ bảng, thông qua hợp đồng mua sắm máy bay Airbus (do Pháp sản xuất), chuyển nhượng CLB Paris Saint-Germain, thành lập hãng truyền thông beIN SPORTS, mua bản quyền truyền hình giải VĐQG Pháp (Ligue 1)…
Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi nhận 1,23 tỉ bảng cho hợp đồng cung cấp khí đốt mà các bên chức năng của Qatar và Thái Lan ký kết ngày 16-8-2010 tại Doha. Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha Angel Maria Villar Llona nhận 150 triệu bảng Anh tiền “lại quả” thông qua hợp đồng tài trợ của hãng hàng không Qatar Airways cho CLB Barcelona. Cố chủ tịch Julio Grondona của LĐBĐ Argentina nhận 59 triệu bảng, dùng thanh toán các khoản nợ của LĐBĐ Argentina và chi phí tài trợ cho trận giao hữu Argentina-Brazil tháng 11-2010 tại Doha còn đồng nghiệp phía Brazil là Ricardo Teixeira nhận 6,7 triệu bảng được hiểu là phần tài trợ các trận giao hữu của đội tuyển Brazil.
Lá phiếu thứ 14 bầu cho Qatar đến từ Senes Erzik, một quan chức cấp cao của LĐBĐ Thổ Nhĩ Kỳ, mà thủ tướng của quốc gia này được biết đến như là một người bạn thân thiết của Hoàng gia Qatar.
Bình luận (0)