Hàn Quốc dự định thay đổi quy định miễn trừ việc phục vụ quân đội cho các tài năng trẻ thể thao trong bối cảnh dư luận nước này kêu gọi cần siết chặt quy định kể trên theo hướng nghiêm khắc hơn. Câu chuyện râm ran từ nhiều tháng trước khi ASIAD 18 khởi tranh tại Indonesia, bùng lên theo từng bước cuộc hành trình của tuyển bóng đá Hàn Quốc mà cụ thể là câu chuyện của ngôi sao Son Heung-min cho đến khi lên đến đỉnh điểm cuối tuần qua, thời điểm hai đội tuyển bóng chày nam và bóng đá nam Hàn Quốc cùng đoạt HCV đại hội, theo đó, các thành viên của hai êkip này nghiễm nhiên được miễn việc thi hành nghĩa vụ quân sự.
Son Heung-min (giữa) vui mừng với tấm HCV bóng đá ASIAD 18
Việc thi hành quân dịch ở Hàn Quốc là một vấn đề xã hội khá phức tạp. Mọi thanh niên Hàn Quốc đến tuổi trưởng thành đều phải trải qua thời hạn 21 tháng phục vụ trong quân đội nhưng cũng có quy định miễn trừ quân dịch đối với các tài năng thể thao nếu họ giành được HCV tại Á vận hội, hoặc huy chương bất cứ màu gì tại đấu trường Olympic.
Các tuyển thủ Hàn Quốc công kênh thủ quân Son Heung-min
Ngôi sao bóng đá Son Heung-min trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là truyền thông Anh quốc, khi tiền vệ này có khả năng phải chia tay CLB Tottenham trong khoảng thời gian gần 2 năm để phục vụ trong quân đội Hàn Quốc. Chấp hành lệnh quân dịch có lẽ sẽ là điều bình thường đối với Son Heung-min nếu như anh không nhận mức lương đến 80.000 bảng/tuần tại đội bóng thành London cũng như chẳng ai có thể đảm bảo sau khi hết hạn quân dịch, Son vẫn tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột tại đội bóng chủ sân White Hart Lane như trước.
Phát biểu với hãng thông tấn quốc gia Yonhap, ông Ki Chan-soo, điều phối viên chương trình Nguồn nhân lực của quân đội Hàn Quốc, cho rằng Bộ Quốc phòng nước này dự định sẽ xem xét việc sửa đổi quy định kể trên: "Chúng tôi sẽ xem xét toàn diện hệ thống tuyển quân trên hai lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. Quân đội Hàn Quốc đang khan hiếm nguồn nhân lực đầu vào và do vậy, cần xem xét quy định miễn trừ có thực sự công bằng hay không".
Son Heung-min phấn khích với chiến thắng ở chung kết ASIAD 18
Theo một quan chức của cơ quan tuyển quân Hàn Quốc, ông Ki Chan-soo đã nhắc đến vấn đề "về nguyên tắc" khi dư luận người dân và giới truyền thông, kể cả các nghị viên Quốc hội, đang quyết liệt đòi xem xét sự việc. Còn trong thực tế, chẳng có bất cứ kế hoạch cụ thể nào từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc để có thể thay đổi quy định kể trên, chỉ hứa hẹn sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề.
Quy định miễn trừ được áp dụng chính thức kể từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tức xấp xỉ 50 năm, như một phần trong nỗ lực của chính quyền Seoul nhằm biến Hàn Quốc thành một cường quốc thể thao, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Tuy vậy, theo dòng thời cuộc, quy định này đã vấp phải những lời chỉ trích gay gắt nhất. Nhiều người Hàn Quốc lên tiếng cần phải bãi bỏ hoàn toàn quy định miễn trừ, đề cao tính công bằng xã hội trong một thời đại mà công chúng trông chờ vào sự trung thực, xoá bỏ mọi cách biệt đến từ lợi thế hiển nhiên giữa các tầng lớp nhân dân.
Tuyển bóng chày Hàn Quốc toàn cầu thủ chuyên nghiệp
Không chỉ Son Heung-min, 9 tuyển thủ bóng chày Hàn Quốc cũng chưa từng thi hành quân dịch nhưng chắc chắn nhận được quyền miễn trừ khi đội bóng của họ đăng quang ngôi vô địch tại ASIAD 18. Đội tuyển bóng chày bị chỉ trích nhiều khi đây là tập hợp của những cầu thủ chuyên nghiệp, chơi ở hạng đấu cao nhất Hàn Quốc trong khi những đối thủ của họ như Nhật Bản, Đài Loan TQ chỉ cử đến đại hội lực lượng cầu thủ nghiệp dư.
Trường hợp của Son Heung-min có đôi chút khác biệt khi anh là một trong số rất ít các cầu thủ bóng đá Hàn Quốc thành danh ở sân cỏ châu Âu và điều gì sẽ xảy đến nếu anh phải hy sinh một quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời cầu thủ để phục vụ quân dịch. "Tôi không cho là quy định này lại thiếu tính công bằng. Son là một trong những cầu thủ Hàn thành danh ở đấu trường quốc tế. Thay vì phải vào quân đội, tôi hy vọng anh ấy sẽ còn thành công hơn nữa với bóng đá", Jang Ji-hoon, một thanh niên đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc, cho biết như thế.
Son Heung-min và thủ môn Jo Hyeon-woo lo lắng trước trận chung kết
Chủ tịch Uỷ ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc Lee Kee-heung cho biết ông ủng hộ quy định miễn trừ được áp dụng mở rộng cho đối tượng văn nghệ sĩ đạt được thành tựu quốc tế. Theo ông, không phải ai cũng "tệ" như Park Chu-young, cựu tiền đạo Arsenal đã xin nhập quốc tịch Monaco hồi năm 2012 để tránh quân dịch. Nhiều sinh viên Hàn Quốc cho rằng việc họ gia nhập quân đội là bình thường, không để cho các ngôi sao cỡ Son Heung-min phải thực hiện quân dịch bởi "khi đó, họ sẽ giúp tôn vinh vị thế của Hàn Quốc".
Bình luận (0)