Chẳng những thế, nữ nhi trong giới thể thao Việt còn tạo ấn tượng đặc biệt về hiệu ứng xã hội.
Nếu như bóng đá nam đến nay vẫn khắc khoải vì chưa một lần đăng quang ở đấu trường SEA Games thì các đồng nghiệp nữ đã mang về đến ngôi vô địch thứ 5 kể từ khi tái hội nhập cách đây 20 năm. San bằng kỷ lục với kình địch Thái Lan là điều không dễ làm được đối với nhiều bộ môn. Bóng đá nữ mang về thành tích "vô tiền khoáng hậu" thì điền kinh lần đầu phá thế độc tôn cũng của người Thái suốt nhiều thập kỷ. Trong tổng số 17 HCV mà môn thể thao "nữ hoàng" mang về cho thể thao Việt Nam, phần đóng góp của các cô gái lên đến 13, trong đó, Nguyễn Thị Huyền và Lê Tú Chinh là tác giả của 2 "hat-trick". Nhìn bước chạy như linh dương, nhanh, khỏe và dẻo dai của cô gái 20 tuổi Lê Tú Chinh, lần đầu tham dự SEA Games đã giành ngay 3 ngôi vô địch, có thể tin thời hoàng kim của điền kinh Việt Nam chỉ mới bắt đầu và hứa hẹn tỏa sáng vượt tầm khu vực.
Tú Chinh trong đợt chạy 4x100 m giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan sau hơn 20 năm và lập luôn kỷ lục SEA Games Ảnh: QUANG LIÊM
Bơi lội thuở nào trông chờ đến héo hắt dù chỉ một tấm HCĐ, giờ đây xếp nhì khu vực ở 2 kỳ đại hội liên tiếp, chỉ kém "cường quốc đường đua xanh" Singapore. Nhân tố nổi bật nhất không ai khác hơn kình ngư mới 21 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên, người giành 16 HCV trong 2 đại hội liên tiếp cùng nhiều kỷ lục, ngôi sao lớn nhất khiến mọi người phải ngưỡng mộ khi nhắc đến.
37 lần được hát Quốc ca tại Kuala Lumpur, các nữ thể thao gia Việt Nam xứng đáng được tôn vinh bởi lòng quả cảm, ý chí kiên cường. Ở một góc độ khác, tất cả đã biết cách vượt qua ngưỡng tâm lý "nữ nhi chân yếu tay mềm", chấp nhận những tác động khắc nghiệt của thể thao đến ngoại hình, sắc đẹp và sức khỏe để chiến đấu vì màu cờ sắc áo, mang về vinh quang cho thể thao nước nhà.
Bình luận (0)