Hoạt động với lịch trình gần như kín mọi giờ trong ngày, từ các lớp huấn luyện bóng đá theo lứa tuổi, giờ tập chính thức của các đội tuyển bóng đá nữ trẻ TP cho đến các giải bóng đá, hội thao cơ quan, đoàn thể, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Trung tâm TDTT Tao Đàn (quận 1, TP HCM) dù chưa đến mức "cửa đóng then cài" nhưng mọi hoạt động đều giảm từ 50%-70%.
Ông Đào Huy Hùng, Phó Giám đốc trung tâm, than thở: "Chưa bao giờ sân lâm vào tình cảnh như hiện tại dù trong thực tế, nhu cầu tập luyện thể thao vẫn rất lớn trong mùa đại dịch. Người dân đeo khẩu trang đến đi bộ hoặc tập dưỡng sinh theo nhóm nhỏ tại Công viên Tao Đàn sát bên là chuyện bình thường. Những hoạt động thể thao cá nhân xem ra không bị hạn chế nhiều lắm, còn bóng đá là môn đối kháng, tiếp xúc mọi lúc mọi nơi nên khả năng nhiễm bệnh rất lớn".
Giảm 50%-70% có nghĩa là Trung tâm TDTT Tao Đàn phải hủy hết các lớp huấn luyện bóng đá, không nhận đăng cai bất cứ hoạt động nào, ít nhất cho đến hết tháng 3 theo chỉ thị của UBND TP.
Cùng chung cảnh ngộ này là "hàng xóm" Cung Văn hóa Lao động TP HCM, nơi giờ đây các môn thể thao chỉ hoạt động cầm chừng. Hồ bơi nơi đây lẽ ra rất nhộn nhịp vào mùa nắng nóng nhưng giờ đây, khung giờ sinh hoạt phải cắt giảm khi mỗi suất bơi chỉ còn lèo tèo vài mươi người. Cụm sân bi sắt gần như ngưng hẳn trong khi các sân bóng đá mini, quần vợt giảm lịch thuê đến hơn một nửa.
Dẫu biết việc chơi thể thao chính là nhằm rèn luyện sức khỏe theo cách tích cực nhất để tăng cường sức đề kháng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh nhưng tâm lý ngán ngại trong người dân cứ tăng dần, đặc biệt kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy vậy, không phải không có những điểm sáng, tạo nên những mảng màu đầy hy vọng giữa mùa dịch bệnh.
Nằm trên trục đường chính Trần Hưng Đạo B đông đúc, Trung tâm Đào tạo bóng bàn Hồ Ngọc Thuận (quận 5, TP HCM) dán tấm bảng thông báo ngộ nghĩnh từ tháng 2: "Quý phụ huynh không có thời gian chăm sóc con cái trong mùa dịch, trung tâm nhận trông giữ và hướng dẫn tập bóng bàn từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ mỗi ngày". Không hề là chuyện đùa vui, bởi phòng tập rôm rả hẳn với gần 30 học viên mới, "vừa giúp các em, các cháu làm quen với bóng bàn, rèn luyện sức khỏe để tăng khả năng đề kháng với dịch bệnh mà còn tránh xa được các thú vui vô bổ" như tâm sự của chủ nhiệm Hồ Ngọc Thuận. Đích thân cựu tuyển thủ quốc gia này kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở việc phòng dịch cho học viên, cùng với các HLV đứng lớp, hướng dẫn tập luyện cũng như tham gia các trò chơi bên bàn bóng với các học viên nhí. Thêm bữa ăn trưa, coi như "lớp học bán trú" này đã giúp các phụ huynh bớt được nỗi lo không ai "quản" con em khi không phải đến trường, đồng thời các học viên nhí cũng tự tin hơn khi sức khỏe được cải thiện trông thấy.
Từng là địa điểm tập huấn nhiều năm của đội tuyển thể hình quốc gia, CLB Thể hình nam nữ Việt Nam của HLV Bùi Xuân Trường (phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM) kể từ sau Tết chưa phải đóng cửa buổi nào. Ngoại trừ khách tập vãng lai giảm hẳn, số lượng khách quen vẫn duy trì đều đặn lịch tập như trước. Nhiều thành viên đội tuyển TP HCM cũng về đây tập, ngoài lý do trang thiết bị, máy tập hiện đại, còn là việc HLV Trường thực hiện nghiêm túc quy trình phòng dịch bao gồm kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang… với mỗi người tập.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!