Năm 2016, đại diện 11 đội bóng hàng đầu châu Âu đã tham dự một cuộc họp kín tại London (Anh), bàn bạc việc rời bỏ Champions League, ly khai luôn giải Vô địch quốc gia mà họ là thành viên để tham gia vào một sân chơi mới mà cả nhóm sẽ là đồng sáng lập viên với tên gọi UEFA Super League. Dự kiến có thêm 5 đội bóng tên tuổi khác được mời tham gia để hoàn chỉnh thể thức thi đấu bao gồm 16 đội, không có lên xuống hạng và các khoản thu cũng được hứa hẹn ở mức rất cao.
Hai năm sau, trang Football Leak lần đầu tung ra danh sách 11 "phản đồ" kể trên mà khi tiếp cận, chẳng mấy ai cảm thấy bất ngờ vì chỉ gồm toàn những cái tên sừng sỏ, như Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, PSG, Juventus, AC Milan, Man United, Arsenal, Chelsea, Man City và Liverpool… Thậm chí, những vị "khách mời" cũng chẳng xa lạ gì như Atletico Madrid, Marseille, Dortmund, Inter Milan và AS Roma được nêu đích danh.
Điều khá lạ lùng là chính những "nhân vật" trong cuộc lại phủ nhận nguồn tin được nhật báo Der Spiegel (Đức) đăng tải. Gay gắt nhất trong số này chính là Bayern Munich khi đội bóng số 1 Bundesliga khi đó phải ra thông cáo báo chí, nói rõ việc không liên quan gì đến "Super League", không hề tham dự bất cứ cuộc họp kín nào về vấn đề này, đồng thời chưa từng có ý định ly khai cả Bundesliga lẫn các cúp châu Âu do UEFA tổ chức. Các đội bóng khác cũng từ chối bình luận về vụ việc.
Những ai quan tâm đến vấn đề đều hiểu, các "ông lớn" châu Âu chưa khi nào hài lòng với cơ chế hiện hành của các cúp châu Âu, bất chấp UEFA đã hai lần cải cách sâu rộng các giải đấu để bảo đảm quyền lợi của các tên tuổi lớn vốn có sức hút mạnh mẽ từ người hâm mộ lẫn các đối tác thương mại. Chỉ có điều, khi kế hoạch "ra riêng" còn chưa hoàn chỉnh, chẳng đội bóng nào đơn phương thể hiện sự đối đầu với UEFA mà phía sau còn có cả thế lực hùng hậu FIFA "chống lưng".
Bóng đá không lên xuống hạng sẽ nhàm chán trong mắt khán giả Ảnh: REUTERS
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc khủng hoảng tài chính của bóng đá trên khắp cựu lục địa như chất xúc tác mạnh mẽ để Super League lại trở thành vấn đề thời sự. Sự mong manh, thiếu chắc chắn từ UEFA trong việc quán xuyến mọi hoạt động bóng đá chính là điều kiện cực tốt cho những cuộc ly khai mà các "đại gia" châu Âu hướng tới. Nhìn thấy khả năng mọi giải đấu lớn cần phải được thiết lập lại do đại dịch, những nhà đầu cơ lọc lõi lại quyết định vào cuộc hòng kiếm chác.
Chủ tịch CLB Juventus Andrea Agnelli được xem là người tích cực nhất trong "dự án" UEFA Super League, lâu lâu lại khiến đấu trường châu lục "nổi sóng" đôi chút nhưng việc tái cấu trúc bóng đá châu Âu phải đâu chuyện đùa. 16 hoặc 22 đội bóng dự một giải đấu có 1 tỉ bảng tiền thưởng xem ra cũng hấp dẫn nhưng sau đó là gì? UEFA dọa cấm những ai thi đấu ở Super League không được tham dự EURO còn FIFA cũng "tiếp sức" bằng việc cấm tiếp những cầu thủ này tranh tài ở World Cup. Sự nghiệp cầu thủ, ngoài các khoản thu nhập, ai cũng muốn được khoác áo tuyển quốc gia chơi các giải lớn. Chấp nhận bó hẹp hoạt động chỉ ở một giải đấu, sau vài mùa có thể bị thải loại… là đánh đổi quá lớn đối với một cầu thủ.
Bình luận (0)