Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thế giới, trong đó có bóng đá. Bóng đá Thái Lan đã có một quyết định làm các nền bóng đá láng giềng trong khu vực Đông Nam Á phải suy nghĩ khi không còn tiến hành giải vô địch quốc gia (VĐQG) như bấy lâu nay mà tổ chức Thai League và các giải khác cùng khung thời gian với các giải vô địch châu Âu. Quyết định được thông qua trong cuộc họp giữa LĐBĐ Thái Lan (FAT) với Công ty Thai League, Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan cùng đại diện của đội bóng ở 2 hạng cao nhất.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là quyết định cách mạng của bóng đá Thái Lan với xác suất thành công khá cao, có thể sẽ làm thay đổi diện mạo bóng đá Đông Nam Á.
Thực tế, trước sự thay đổi có tính cách mạng này, Thai League đã qua mặt V-League từ lâu.
Chanathip trở thành cầu thủ Thái Lan đắt giá tại Nhật Bản Ảnh: JFA
Nhớ lại, từ năm 2009, V-League từng ở vị trí 41 trong tốp 100 giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới do Liên đoàn Thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) xếp hạng. Đó là thời kỳ nhiều ngôi sao của bóng đá Thái Lan, tầm cỡ như Kiatisuk cũng phải đến Việt Nam đá bóng và kiếm tiền. Tuy nhiên, sau đó vài năm, V-League đi xuống rất nhanh. Cuối mùa giải 2012, V-League rơi vào khủng hoảng, nhiều ông bầu bỏ bóng đá nhưng V-League vẫn nằm trong tốp 100 với vị trí 87. Sau đó, V-League đã xuống dốc thê thảm về thứ hạng do IFFHS bình chọn. Năm 2017 V-League tụt xuống hạng 102 thế giới, trong khi Thai League hạng 63. V-League thua cả các giải VĐQG Indonesia, Singapore, Malaysia, chỉ hơn mỗi Myanmar. Đây có thể xem là bảng xếp hạng khiến V-League "mất mặt" nhất trong gần 1 thập kỷ qua.
Thực tế, ở cấp độ đội tuyển có thể bóng đá Việt Nam xếp trên Thái Lan nhưng ở giải VĐQG thì khác hẳn.
Về mặt lực lượng, Thai League có đến 18 đội, cuối mùa có 3 đội xuống hạng; Giải Hạng nhất có 22 đội và sự cạnh tranh ở những giải đấu này là rất quyết liệt. Trong khi đó với V-League chỉ có 14 đội và Giải hạng nhất cũng chỉ có 12 đội, suất lên hạng là 1,5 nhưng Giải Hạng nhất khá yếu, ít hấp dẫn.
Cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia, Chủ tịch CLB TP HCM - ông Nguyễn Hữu Thắng - từng tham quan các CLB ở Thái Lan và xem các trận đấu Thai League, cho rằng về bóng đá chuyên nghiệp, nói thẳng ra, người Thái đang đi trước chúng ta. Chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng như vậy. Ông Thắng nói thêm ngay cả cơ sở vật chất, mỗi CLB của họ có 8 sân tập, trong khi ở nước ta, trừ Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF, Viettel, các CLB khác vẫn còn rất khó khăn.
Thực tế, trên bảng xếp hạng của LĐBĐ châu Á (AFC), CLB Hà Nội đứng thứ 6 trong danh sách các đội bóng hàng đầu Đông Nam Á nhưng vẫn xếp sau Buriram United, Muangthong United (Thai League). Chất lượng và lương các cầu thủ cũng vậy. Có thời điểm có ít nhất 22 cầu thủ Thái chơi bóng ở Nhật, chưa kể các quốc gia khác. Giá trị thương mại của các cầu thủ Thái cũng cao hơn nhiều so với cầu thủ Việt Nam. Chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt định giá ngôi sao Thái Lan Chanathip Songkrasin lên đến 2,4 triệu euro, trong khi cả đội tuyển Việt Nam được chuyên trang này đánh giá chỉ có 1,4 triệu euro!
Về lương, bây giờ Thai League là nơi để các ngôi sao Việt Nam kiếm tiền nhưng các ngôi sao cỡ như Văn Lâm, Xuân Trường… hiện kiếm chỗ đứng ở Thai League đã rất khó khăn. Các ngôi sao Thái Lan như Teerasil Dangda nhận lương rất cao, lên đến 900.000 baht/tháng (gần 650 triệu đồng).
Đó là thực trạng bóng đá Thái Lan hiện nay. Bắt đầu từ tháng 9 này, Thai League làm "cuộc cách mạng", cơ cấu lại giải đấu, họ sẽ càng vượt xa V-League đang có vẻ bảo thủ và giậm chân tạo chỗ.
Kỳ tới: "Cuộc cách mạng" ở Thai League
Bình luận (0)