Lương cầu thủ có thể trồi sụt thất thường, thậm chí 15 năm V-League lên chuyên nghiệp chứng kiến không ít trường hợp CLB nợ lương hoặc thậm chí quỵt lương cầu thủ. Tuy nhiên, chuyện đó khá hiếm thấy với HLV trưởng hay giám đốc điều hành (CEO) ở các CLB. Phải chăng đó là nghề có thu nhập mơ ước ở môi trường bóng đá Việt còn quá nhiều rủi ro?
Sợ CEO như “sợ cọp”
Sau thời bóng đá bao cấp, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ dồn dập của các ông chủ doanh nghiệp. Các CLB trở thành những công ty con, có tư cách pháp nhân riêng và đồng nghĩa vai trò giám đốc điều hành CLB vô cùng quan trọng. V-League chào đón nhiều CEO trẻ tài cao, học rộng, nhiều quan hệ như Phạm Phú Hòa (ĐTLA, VPF), Cao Văn Chóng (B.Bình Dương, VPF), Trần Tiến Đại (V.Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành)… Cộng với lớp quản lý có tuổi nhưng giàu kinh nghiệm điều hành đội bóng như Hồ Văn Chiêm (SLNA), Bùi Xuân Hòa (SHB Đà Nẵng) hay Huỳnh Mau (HAGL), có thể nói đây là những CEO nổi bật nhất bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Lê Thụy Hải, nhà cầm quân được nhiều CLB trả lương cao ngất tại V-League Ảnh: QUANG LIÊM
Nếu ngày xưa, hỏi cầu thủ sợ ai nhất ở đội bóng, câu trả lời đa phần là HLV trưởng thì từ khi lên chuyên nghiệp, người mà giới “quần đùi áo số” ngán nhất là giám đốc điều hành. “CEO không chỉ quản lý đội bóng, họ có thể can thiệp vào chuyên môn, thậm chí có người còn làm thay cả phần của HLV, chọn luôn đội hình ra sân hoặc thay người. Họ cũng là người giám sát chúng tôi về lương, thưởng, việc chuyển nhượng này nọ nên nói thật, anh em cầu thủ sợ HLV một thì sợ CEO mười. Không ai dám làm phật lòng họ nếu muốn yên ổn thi đấu” - một cựu cầu thủ chia sẻ.
Giữ quyền sinh sát trong tay nên thu nhập mà các CEO nhận được cũng tương xứng với thành tích của đội bóng. Một trợ lý cũ của “siêu cò” kiêm giám đốc điều hành Trần Tiến Đại chia sẻ: “Các ông bầu có thể chây ì không trả lương cho cầu thủ khi kinh doanh gặp khó khăn nhưng CEO thì họ không thiếu một đồng. Lương họ nhận không dưới 50 triệu đồng/tháng, chỉ trừ trường hợp cá biệt như anh Trần Tiến Đại khi nhận lời làm cho Sài Gòn Xuân Thành chỉ nhận 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh Đại có nguồn thu từ công ty môi giới cầu thủ của mình nên không đặt nặng lương bổng. Riêng một số CEO khác, họ không chỉ có lương mà còn có thu nhập từ tiền hoa hồng khi chuyển nhượng cầu thủ. Đó là luật bất thành văn ở bóng đá Việt, không thể tránh được”.
Lương HLV thấp, nói cầu thủ không nghe!
Nắm bắt sự thương mại hóa bóng đá với nhiều ông bầu giàu có và chịu chi, nhiều nhà cầm quân bắt đầu biết định giá thương hiệu của chính mình. Khái niệm “lót tay” bạc tỉ cho HLV dần trở nên phổ biến. Đi đầu thực hiện trào lưu này phải kể đến HLV Lư Đình Tuấn. Năm 2008, khi thương lượng ký hợp đồng 3 năm cùng CLB TP HCM, Tuấn “nhím” gây sốc khi đòi được khoản lót tay và mức lương loại một dù đội bóng này vẫn đang chơi ở Giải Hạng nhất quốc gia.
Khi một quan chức của LĐBĐ Việt Nam (VFF) tỏ ý không hài lòng, Tuấn “nhím” nói thẳng: “Nếu không chấp thuận thì tôi không ký. Làm HLV mà thu nhập chỉ bằng cầu thủ làng nhàng trong đội thì nói ai nghe”. Ngay sau HLV Lư Đình Tuấn, hàng loạt HLV khác cũng đua nhau tự định giá khi được các đội bóng đặt điều kiện. Mùa giải 2009 chứng kiến Bình Dương chi tiền tỉ mời HLV Mai Đức Chung, đồng thời mức lương mà ông nhận được cũng ngang ngửa với các cầu thủ trụ cột như Như Thành, Quang Thanh...
HLV Lê Thụy Hải cũng từng được Hải Phòng mời về với mức lương “khủng” gần 150 triệu đồng/tháng. Cuối năm ngoái, khi ký hợp đồng với B.Bình Dương trong vai trò giám đốc kỹ thuật, HLV Lê Thụy Hải được nhận số tiền lót tay 1 tỉ đồng cho 1 năm gắn bó với đội bóng này và hưởng số tiền lương 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các nhà cầm quân khác như Hoàng Văn Phúc, Vũ Quang Bảo, Phan Thanh Hùng, Đinh Cao Nghĩa... cũng nhận được tiền lương không dưới 50 triệu đồng/tháng/người.
Với mức lương đó, các nhà cầm quân an tâm và luôn làm việc hết mình, cống hiến cho đội bóng. Dù vậy, cũng không ít HLV chịu điều tiếng vì tiền bạc không phân minh, đa phần bắt nguồn từ những thương vụ chuyển nhượng. “HLV thu nhập thấp nói cầu thủ không nghe. Nhưng cũng có những HLV thu nhập ổn định, vậy mà vẫn bị cầu thủ sẵn sàng “bẻ” ghế. Đơn giản vì họ để quá nhiều tai tiếng trong những thương vụ chuyển nhượng. Cầu thủ có thể chịu lép vế lúc mới về đội bóng, có thể phải chung chi tiền bạc để được ra sân nhưng khi có cơ hội, HLV mới là những nạn nhân bị mất việc” - một cựu cầu thủ chia sẻ.
Ông Hải không lấn cấn tiền bạc
HLV Lê Thụy Hải không ít lần phải ra đi giữa dòng vì thành tích bết bát nhưng theo giới cầu thủ, đơn thuần đều vì lý do chuyên môn, không liên quan đến lấn cấn tiền bạc. Có chuyện về một cầu thủ mới đầu quân cho B.Bình Dương đã mang 500 triệu đồng lên “chào hỏi” HLV Lê Thụy Hải. Vừa thấy bọc tiền, nhà cầm quân người Hà Đông lập tức đuổi thẳng cầu thủ này khỏi phòng trước khi nói “tiền đó là mồ hôi nước mắt của cậu, mang về mà lo cho gia đình”.
Nhiều học trò cũ dù không còn thi đấu cho đội bóng của ông vẫn dành rất nhiều sự kính trọng, luôn đứng ra bảo vệ uy tín của thầy mỗi khi HLV Lê Thụy Hải bị công kích.
Bình luận (0)