Chẳng có gì để biện minh với trận thua chiều 13-5 của thầy trò HLV P. Troussier trước U22 Indonesia - đội bóng mà 4 lần gặp nhau trước đó đều là "bại tướng" của Việt Nam. Non kém kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh thi đấu và không có đấu pháp, chiến thuật rõ ràng… là những gì U22 Việt Nam đã bộc lộ ở trận bán kết SEA Games 32.
Trước khi bước vào hành trình bảo vệ tấm HCV SEA Games, U22 Việt Nam đã phô bày những hạn chế về mặt thể lực, kỹ năng lẫn tâm lý. Thầy trò ông Troussier thua 5/6 trận giao hữu, bao gồm giải đấu tập huấn quốc tế Doha Cup 2023 ở Qatar. Không chỉ có thể trạng kém hơn đối thủ, các cầu thủ U22 Việt Nam còn yếu về sức bền, thể lực và thường hụt hơi, xuống sức ở giữa hiệp đấu thứ 2 của mỗi trận.
U22 Việt Nam (trái) dù nỗ lực nhưng vẫn không vượt qua được U22 Indonesia (Ảnh: QUANG LIÊM)
Ở vòng bảng SEA Games 32, U22 Việt Nam tự tin phô diễn lối chơi kiểm soát bóng, chủ động tấn công trước các đối thủ yếu hơn như U22 Lào, U22 Singapore nhưng dần bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi so tài với U22 Malaysia, U22 Thái Lan. Tại vòng bán kết, HLV Troussier mạnh miệng tuyên bố sẽ đưa U22 Việt Nam vượt qua U22 Indonesia để vào chung kết. Tuy nhiên, cách sắp xếp đội hình xuất phát không có nhiều thay đổi so với trận thắng U22 Malaysia khiến đoàn quân của ông Troussier bị U22 Indonesia "bắt bài".
Đội bóng xứ vạn đảo tự tin bắt nhịp trận đấu và chủ động tấn công ngay từ đầu, dồn ép đối phương bằng lối chơi nội lực, không ngại va chạm. Liên tục có bàn dẫn trước, thầy trò ông Indra Sjafri thậm chí còn hưng phấn và mạnh mẽ hơn U22 Việt Nam dù phải thi đấu kém hơn 1 người. Với màn trình diễn "máu lửa" này, Indonesia xứng đáng có tấm vé vào chung kết giải đấu.
Ngoài sự xông xáo và khả năng săn bàn hiệu quả của tiền đạo Văn Tùng, những cầu thủ U22 Việt Nam còn lại mang nặng tâm lý sợ thua khi thi đấu. Trong bối cảnh đã có bàn gỡ hòa và được chơi hơn người từ phút 60 nhưng các học trò của ông Troussier vẫn không biết cách tấn công để ghi bàn. Thậm chí, nhiều lúc họ phải co cụm về phần sân nhà để phòng thủ, bảo toàn tỉ số hòa.
Hàng phòng ngự U22 Việt Nam được tổ chức lỏng lẻo, nhiều sơ hở, liên tục mắc lỗi, để đối phương xoáy sâu và xuyên thủng lưới. Hai bàn thua đầu xuất phát từ cùng tình huống ném biên của đối phương và các hậu vệ Việt Nam phán đoán, chọn sai vị trí phá bóng. Bàn ấn định tỉ số chung cuộc 3-2 ở phút bù giờ thể hiện sự hụt hơi, xuống sức của dàn phòng thủ U22 Việt Nam.
Nhiều ý kiến nhận xét U22 Việt Nam không phù hợp với lối chơi kiểm soát bóng của tân HLV trưởng; cũng có ý kiến cho rằng cần thêm thời gian để họ làm quen, vận hành trơn tru đấu pháp cùng tư duy chiến thuật của "phù thủy trắng". Mặt khác, nhiều trận đấu vừa qua cho thấy ông Troussier thiếu ý tưởng xây dựng đấu pháp cho mỗi trận cụ thể. Cách bố trí nhân sự và những lần thay người của ông cũng chưa mang lại dấu ấn nào.
Chưa có được thủ lĩnh thực thụ
HLV Nguyễn Tuấn Phong cho rằng cần thêm thời gian để xây dựng, đào tạo nên một lực lượng đủ sức kế thừa, gánh vác trọng trách của lứa đàn anh. Theo ông, không nên tạo áp lực về mặt thành tích cho cầu thủ trẻ bởi họ còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thi đấu. Lứa U22 Việt Nam kỳ này chưa có một thủ lĩnh thực thụ. Toàn đội cần thêm nhiều màn cọ xát, những trận thực chiến để trui rèn, chọn lọc một đội trưởng có thể bao quát, nhắc nhở, khích lệ tinh thần toàn đội như Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Hùng Dũng... trước đây.
Bình luận (0)